Giải quyết đền bù quá chậm trễ!

01:02, 02/02/2012

Đã gần 1 năm rưỡi nay, kể từ khi chặn dòng, chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện 6 (QLDATĐ 6) vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc đền bù và giải quyết đất tái định canh, gây nên bức xúc và phát sinh hàng trăm lượt đơn, thư hoặc khiếu kiện.

Báo Lâm Đồng đã nhiều lần đề cập đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng (ĐB GPMB) tại công trình Thuỷ điện Đồng Nai 3. Đã gần 1 năm rưỡi nay, kể từ khi chặn dòng, chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện 6 (QLDATĐ 6) vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc đền bù và giải quyết đất tái định canh, gây nên bức xúc và phát sinh hàng trăm lượt đơn, thư hoặc khiếu kiện trực tiếp từ phía người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
 

Ảnh: Khu tái định canh vẫn chưa được khai hoang để giao đất “sạch” cho bà con.
Ảnh: Khu tái định canh vẫn chưa được khai hoang để giao đất “sạch” cho bà con.

Chúng tôi chỉ đề cập ở vùng bị ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 tại xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh). Do có những “khuất tất” và phát sinh những mâu thuẫn, sai lệch giữa bản đồ giải thửa và hiện trạng đo đạc, kiểm kê, nên việc đền bù bị kéo dài. Công trình Thuỷ điện Đồng Nai 3 “buộc” phải chặn dòng từ ngày 17/9/2010, trong khi chưa giải quyết xong việc ĐB GPMB tại khu vực lòng hồ. Và từ đó đến nay, việc đền bù tại khu vực lòng hồ vẫn còn tồn đọng, chưa giải quyết được. Tuy nhiên, điều còn bức xúc hơn là việc giải quyết đất cho bà con tái định canh. Từ tháng 9/2010 đến nay, do không giải quyết được đất tái định canh, bà con đành phải “bỏ lỡ” 2 mùa (2 năm) sản xuất, thì đã mất đi biết bao nhiêu của cải vật chất và làm ảnh hưởng đến đời sống biết chừng nào.         

Theo Quyết định 2396/QĐ - UBND ngày 22/9/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong 2 đợt (ngày 29/10/2010 và 9/11/2010), Ban Quản lý rừng Tân Thượng cùng với các đơn vị liên quan đã tiến hành bàn giao 163,7 ha đất tái định canh (tại Tiểu khu 611 và Tiểu khu 615) cho Ban QLDATĐ 6 quản lý và sử dụng vào mục đích giải quyết tái định canh của Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 3. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận khu đất tái định canh, Ban QLDATĐ 6 đã buông lỏng việc quản lý, không kịp thời triển khai việc giải quyết đất tái định canh, nên đã bị nhiều người lấn chiếm trồng cà phê. Trước thực trạng đó, ngày 10/11/2010, UBND huyện Di Linh đã ra Quyết định 3457/QĐ - UBND thành lập Đoàn công tác để tiến hành giải tỏa đất bị lấn chiếm và đã giao lại mặt bằng cho Ban QLDATĐ 6. Nhưng do thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, không tổ chức khai hoang, nên Ban QLDATĐ 6 không thể giao đất “sạch” cho người dân tái định canh. Do để kéo dài, khu đất tái định canh tiếp tục bị lấn chiếm. Theo cán bộ trong Ban QLDATĐ 6, cho rằng: Ban không thể tiến hành khai hoang được, vì bị dân cản trở, đe dọa mỗi khi đưa máy móc vào thi công khai hoang! Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, diện tích đất tái định canh đã bị “suy suyển”, hiện chỉ còn khoảng 93 ha.  

Để giải quyết tình trạng nói trên, ngày 27/10/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị chủ đầu tư, các sở, ngành của tỉnh và các địa phương. Theo đó, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, ngày 2/11/2011, UBND huyện Di Linh cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đã họp với các đơn vị liên quan và đã thống nhất phương án là bằng mọi giá, Ban QLDATĐ 6 phải có trách nhiệm cắm mốc và giao đất tái định canh (đất sạch) cho bà con trong tháng 11/2011. Sau đó, cũng tại buổi làm việc với UBND xã Đinh Trang Thượng, chủ đầu tư là Ban QLDATĐ 6 đã cam kết “đến ngày 30/11/2011 sẽ có mặt bằng đất sạch và tổ chức bốc thăm, cắm mốc, giao đất cho dân”. Tuy thế, đến thời điểm này, “lời hứa” của Ban QLDATĐ 6 vẫn chỉ là một lời hứa suông! Khu đất tái định canh vẫn chỉ là bãi đất hoang, còn nguyên vẹn gốc cây (sau khi đã khai thác tận thu lâm sản) và hiện đang có nguy cơ tiếp tục bị mất dần do lấn chiếm.

Còn việc giải quyết đền bù đất và tài sản trên đất ở khu vực lòng hồ, thì chính quyền địa phương và các ngành liên quan đã có cách xử lý, nhưng thực chất đó chỉ là biện pháp “chửa cháy” để xử tình huống mà thôi, nhưng không còn cách nào khác! Đối với 107 ha đất đã “kiểm kê” (liên quan đến 37 hộ) thì đã có 58 ha (21 hộ) đã được UBND huyện Di Linh quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ GPMB và chuyển đến Ban QLDATĐ 6, nhưng đến nay Ban này vẫn chưa… “chịu” chi trả tiền cho dân(?). Số diện tích của các hộ còn lại, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Di Linh đã cùng với các đơn vị liên quan “rà soát” thêm được 8,3 ha (7 hộ). Đối với diện tích 29 ha (20 hộ) chưa được kiểm kê hiện trạng, nhưng đã ngập nước, Trung tâm Phát triển quỹ đất và UBND xã Đinh Trang Thượng gặp gỡ, đối thoại với dân. Diện tích này, hiện đã có bản đồ giải thửa, nhưng chưa có biên bản kiểm kê hiện trạng. Bà con đã tự kê khai và trong số 29 ha chỉ có 13,9 ha (12 hộ) đã được xem xét. Còn đối với 40 ha (28 hộ) đã ngập nước, nhưng chưa kiểm kê hiện trạng, Tổ công tác đã đối thoại với dân và hướng dẫn kê khai.

Ngoài diện tích đất liên quan đến các hộ dân ở khu vực lòng hồ nói trên, hiện nay còn có 34 hộ dân có đất bị ngập nước (nằm ngoài phạm vi thu hồi) làm đơn thắc mắc, kiến nghị đền bù. Trách nhiện này thuộc về chủ dự án. Nhưng chủ dự án vẫn chưa tích cực, chủ động phối hợp để có cách xử lý.


XUÂN LONG