Khai thác khoáng sản trái phép ở Đam Rông: Nguội trong nóng ngoài

03:02, 16/02/2012

(LĐ online) - Tại thời điểm này, tình hình khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Đam Rông đã chấm dứt. Người khai thác dạt sang vùng giáp ranh với huyện Đăk Glong chờ cơ hội lại tràn vào nên huyện thường xuyên lập chốt giữ.

(LĐ online) - Tại thời điểm này, tình hình khai thác khoáng sản trái phép (KTKSTP) trên địa bàn huyện Đam Rông đã chấm dứt. Người khai thác dạt sang vùng giáp ranh với huyện Đăk Glong chờ cơ hội lại tràn vào nên chúng tôi thường xuyên lập chốt giữ. Đó là kết luận của Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Phạm Ngọc Thưởng vào ngày 15/2.

Do khai thác bừa bãi nên nước ngập cả khu dân cư này
Do khai thác bừa bãi nên nước ngập cả khu dân cư này


NGUỘI TRONG

Thực trạng KTKSTP từ giữa năm 2011 trở về trước ở huyện Đam Rông là một trong những điểm nóng của tỉnh. Hậu quả của việc khai thác kéo dài trong nhiều năm không chỉ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên mà gây ảnh hưởng lớn đến rừng, nguồn nước và đất đai. Hệ lụy đồng thời là tình hình an ninh trật tự luôn bất ổn định.

Lãnh đạo huyện Đam Rông cho hay, KTKSTP trên địa bàn huyện tập trung tại các khu vực: tiểu khu 103, 104, 108, 109 xã Đạ Tông; tiểu khu 212, khu vực Tây Sơn xã Phi Liêng; khu vực dọc dòng sông Đạ Rmăng (tiểu khu 176, 177), Đăk Măng (tiểu khu 179) và tiểu khu 178, 197 xã Liêng Srônh.

Khu vực Tây Sơn, các tiểu khu 234, 212 KTKSTP diễn ra trong nhiều năm và ngày càng phức tạp. Phó Chủ tịch xã UBND huyện Đam Rông Trần Đức Tâm cho biết thêm: Một số hộ dân trong vùng dự án sắp xếp ổn định di dân tự do tại tiểu khu 212 vì ham lợi trước mắt nên đã tự ý giao đất cho KTKSTP. Do đào xới tràn lan, dòng chảy bị ngẽn, ngập úng diện tích gieo trồng.

Trước tình hình đó, UBND huyện Đam Rông ban hành Chỉ thị 07/2011/CT-UBND nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động KTKSTP. Đồng thời, huyện ra Quy chế phối hợp với huyện Đăk Glong (tỉnh Đăk Nông) để phối hợp quản lý, kiểm tra, giải tỏa hoạt động KTKSTP tại các khu vực giáp ranh giữa 2 huyện.

Trong chỉ đạo, huyện Đam Rông nêu những nhiệm vụ cụ thể và sát với tình hình. Theo đó, các xã, công an huyện, Ban chỉ huy quân sự huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng, Ban Quản lý Sêrêpốk, hạt Kiểm lâm, các phòng NN-PTNT, Tài nguyên và môi trường, Nội vụ phải xây dựng kế hoạch liên ngành để tạo được sức mạnh tổng lực. Ngăn chặn KTKSTP, tập trung xử lý và giải tỏa dứt điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường trực đối với huyện Đam Rông.

Khi chủ trương đã thấm nhuần đến tất cả các đơn vị, huyện quyết định ra quân. Suốt năm 2011, Đam Rông tổ chức 19 đợt giải tỏa hoạt động KTKSTP trên địa bàn. Kết quả, phá hủy 7 tàu khai thác khoáng sản, 12 máy đào, 94 máy nổ, 1 máy cưa, 1 môtơ, 7 đầu bơm nước, 8 máng đãi bằng sắt, 26 máng đãi bằng gỗ, 55 lán trại và các vật dụng, dây ống dẫn nước. Cơ quan chức năng đã tạm giữ 5 máy đào, 5 máy nổ, 4 đầu bơm nước, 1 cuộn dây ống, 600 kg vonfram và 7.270 lít dầu diezen.

Vấn đề giải tỏa xong phải chiếm lĩnh ngay thực địa, nếu không tình trạng khai thác trái phép vẫn tiếp tục diễn ra. Vì vậy, vừa tổ chức nhiều đợt truy quét vừa thành lập các tổ chốt chặn. Tình hình đào đãi khoáng sản trái phép dần dần được chặn đứng. Hiện, tại các tiểu khu 234a, 235a, 212 và 215 không còn trường hợp khai thác trái phép nào; vùng ráp gianh giữa Tây Sơn với xã Liêng Srônh cơ bản đã ổn.

NÓNG NGOÀI  

Mặc dù đã nguội vùng nội huyện, nhưng việc ngăn chặn KTKSTP ở Đam Rông không thể lơ là. Bởi hàng chục người khai thác hàng ngày vẫn cắm lán ở khu vực giáp ranh, chờ cơ hội lại tràn sang. Chủ tịch UBND huyện Phạm Ngọc Thưởng nói: Phải “đánh” liên tục liên tục chứ ngơi ra là không trở tay kịp. Chỉ còn vùng giáp ranh nhưng người ta chạy qua chạy lại, do đó huyện thường xuyên chốt chặn để bảo vệ cho bằng được. Chúng tôi với huyện Đăk Glong làm việc liên tục theo Quy chế phối hợp.

Báo cáo của huyện cũng cho biết: Năm 2012 tình hình quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần chỉ đạo xử lý dứt điểm. Theo đó, UBND huyện đề ra giải pháp là chỉ đạo chính quyền địa phương, các Ban quản lý, các chủ dự án thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ địa bàn, diện tích đất được giao theo chức năng nhiệm vụ đã được giao. Tiến hành xử lý triệt để, hiệu quả ngay từ khi vi phạm bắt đầu phát sinh (khi các đối tượng vận chuyển máy móc, trang thiết bị vào để khai thác), tránh để xảy ra tình trạng vi phạm càng lan rộng, phức tạp gây khó khăn cho việc giải tỏa; đồng thời báo cáo về UBND huyện để kịp thời có hướng chỉ đạo xử lý.

Mặt khác, huyện cũng chỉ đạo các Ban quản lý rừng, Hạt kiểm lâm, các chủ dự án quản lý chặt chẽ diện tích đất đã được giao, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sai mục đích, cố tình hủy hoại đất; thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp, chặt phá cây rừng để KTKSTP. Đồng thời, UBND huyện Đam Rông chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ trì trong quá trình giải tỏa để đạt hiệu quả cao, đặc biệt đối với cấp chính quyền địa phương cần chủ động giải tỏa hoạt động KTKSTP trên địa bàn và xử lý các tang vật vi phạm.

Chấm dứt cơ bản nạn KTKSTP ở Đam Rông là kết quả rất đáng ghi nhận. Trong buổi làm việc đầu tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Tiến đã ghi nhận và biểu dương kết quả ngăn chặn KTKSTP của huyện và chỉ đạo phải giữ cho được tình hình ổn định hiện có. Song, “cuộc chiến” đối đầu với làn sóng KTKSTP ở huyện Đam Rông vẫn luôn sẵn sàng ứng phó.

MINH ĐẠO