Đó là “nợ” nhà sinh hoạt cộng đồng!
Hơn 16 năm triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã đem lại kết quả thiết thực. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng thêm khởi sắc. Rất nhiều thôn, khu phố (nay là tổ dân phố) đã được công nhận “thôn, khu phố văn hóa” (gọi chung là thôn văn hóa). Và, đến nay cũng không ít xã, phường trong tỉnh đã được công nhận “xã, phường văn hóa”. Tuy nhiên, một nỗi niềm mà không ít người lưu tâm, vì còn đọng lại một món… “nợ” khá lớn. Đó là “nợ” nhà sinh hoạt cộng đồng!
Hội trường thôn Hà Giang (xã Sơn Điền - Di Linh) xây dựng cheo leo ở một vách núi! |
Thành phố Bảo Lộc là một trong những địa phương đã hoàn thành sớm nhất việc tổ chức phát động xây dựng “thôn văn hóa” và là đơn vị hiện có số thôn đã được công nhận đạt chuẩn “thôn văn hóa” chiếm tỷ lệ cao. Sau khi tách khu phố thành tổ dân phố, thì Bảo Lộc đã có 164 (trong tổng số 174) thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Tuy thế, thành phố hiện đang đứng trước một khó khăn, vì theo khoản a, mục 2, điều 7 của Quy chế công nhận “gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa (ban hành kèm theo Quyết định cố 62/2006 - QĐ BVHTT-DL ngày 23/6/2006 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch) thì yêu cầu khi công nhận làng (thôn) văn hóa cần phải đạt các tiêu chí. Trong đó, tiêu chí rất quan trọng là phải “Có tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí ở cộng đồng, duy trì các sinh hoạt văn hóa – thể thao truyền thống của dân tộc”.
Hiện giờ, cả thành phố Bảo Lộc có tới 174 thôn, tổ dân phố, nhưng chỉ mới có 96 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. Không ít thôn, tổ dân phố trên danh nghĩa là đã có “nhà sinh hoạt cộng đồng” nhưng thực chất chỉ là tạm bợ, mượn nhà mẫu giáo hoặc một cơ sở nào đó. |
So với các địa phương khác, điều kiện của thành phố Bảo Lộc tuy có khá hơn, nhưng khi công nhận “thôn văn hóa”, không ít thôn vẫn còn… “nợ” (chưa có) nhà sinh hoạt cộng đồng (hội trường thôn) là tụ điểm để sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhất là ở các xã: Đạm B’ri, Lộc Châu, Lộc Thanh, Lộc Nga và Đại Lào. Trong số đó có những thôn đã có quĩ đất, nhưng chưa có kinh phí để xây nhà, cũng có thôn chưa có đất lẫn kinh phí.
Đã vậy, kể từ cuối năm 2011, sau khi tách 67 khu phố của 6 phường thành 120 tổ dân phố thì món… “nợ” đó lại tăng lên. Hiện giờ, cả thành phố Bảo Lộc có tới 174 thôn, tổ dân phố, nhưng chỉ mới có 96 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. Không ít thôn, tổ dân phố trên danh nghĩa là đã có “nhà sinh hoạt cộng đồng” nhưng thực chất chỉ là tạm bợ, mượn nhà mẫu giáo hoặc một cơ sở nào đó. Đây là khó khăn không nhỏ của thành phố khi phải “trả” món… “nợ” này! Vì theo anh Nguyễn Hữu Báu – Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Bảo Lộc: “Áp lực là quỹ đất. Vì ở các phường trong thành phố muốn chọn một vị trí thuận tiện để xây nhà sinh hoạt cộng đồng đúng “chuẩn” cho các tổ dân phố cũng không phải là chuyện dễ!”.
Còn ở các địa phương khác, nhất là những huyện nghèo thì khoản “nợ” nói trên lại cao hơn theo cấp số cộng. Riêng Di Linh là huyện đã vượt ra khỏi ngưỡng “nghèo” và rất có tiềm năng, thế mạnh, nhưng nỗi niềm về món “nợ” đó vẫn còn chồng chất!
Toàn huyện, trước đây có 194 thôn và khu phố, hiện nay có 202 thôn và tổ dân phố. Trong đó, 107 thôn, tổ dân phố đã được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Rất nhiều thôn, tuy đã được công nhận thôn văn hóa, nhưng còn “nợ” nhà sinh hoạt cộng đồng.
Vì sao lại cho nợ? Anh Đinh Duy Truyền – Trưởng Phòng Văn hóa – Thể thao huyện Di Linh, giải thích: “Chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng, nhưng đòi hỏi thôn phải có quỹ đất và làm cam kết thời gian xây dựng mới được công nhận!”. Điều đó vừa có tình, vừa có lý. Nhưng trên thực tế, sau nhiều năm đã được công nhận thôn văn hóa, nhưng nhà sinh hoạt cộng đồng của không ít thôn vẫn chỉ nằm trên giấy! Người dân không có tụ điểm hội họp và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí cộng đồng. Ngay cả xã Tân Châu – xã Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, xã “điểm” xây dựng nông thôn mới và đã được công nhận “xã văn hóa”, nhưng hiện nay một số thôn trong xã (thôn 2, thôn 3, thôn 4) vẫn còn “nợ”, phải mượn trường tiểu học, nhà mẫu giáo để làm nhà sinh hoạt cộng đồng.
Nguồn kinh phí để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và huy động sức dân (vốn đối ứng). Tuy nhiên, hầu như địa phương nào cũng gặp khó khăn.
Một thực tế ở Di Linh, nhà sinh hoạt cộng đồng đã thiếu, nhưng lại có một số căn xây dựng không đủ chuẩn, không đảm bảo đúng quy cách, nên không phát huy được tác dụng. |
Trong thời gian 2008 - 2009, huyện Di Linh được phê duyệt ngân sách hỗ trợ làm 56 nhà sinh hoạt cộng đồng cho các thôn, nhưng thực tế từ đó đến nay chỉ mới làm được 6 nhà, vì không có kinh phí.
Một thực tế ở Di Linh, nhà sinh hoạt cộng đồng đã thiếu, nhưng lại có một số căn xây dựng không đủ chuẩn, không đảm bảo đúng quy cách, nên không phát huy được tác dụng. Cách đây gần 10 năm, từ nguồn kinh phí của Ban Dân tộc miền núi tỉnh đã xây dựng cho huyện Di Linh 9 hội trường thôn (nhà sinh hoạt cộng đồng) tại 2 xã đặc biệt khó khăn: Bảo Thuận (6 hội trường) và Sơn Điền (3 hội trường). Riêng 2 hội trường tại thôn Hà Giang và thôn Con Sỏ (xã Sơn Điền) được xây dựng tại một vách núi cheo leo, không có sân bãi và không ở vị trí trung tâm thôn, thì không thể nào sử dụng làm tụ điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng được!
Xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng đã khó, còn việc đầu tư mua sắm trang thiết bị và tổ chức hoạt động đúng nghĩa là “một tụ điểm sinh văn hóa cộng đồng” lại càng khó hơn.
Hiện nay, phổ biến ở các địa phương, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn chỉ là một căn nhà “trống rỗng”, chủ yếu là để sử dụng cho việc hội họp, tập huấn. Do vậy, việc xét và công nhận “thôn văn hóa” khi thôn đã đủ các chuẩn mực, tránh “chạy đua” theo số lượng và “bệnh” thành tích. Nên chăng, không còn cho… “nợ” nhà sinh hoạt cộng đồng khi công nhận “thôn văn hóa”?
BÙI TRƯỞNG