Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản: Cần có biện pháp “mạnh tay”

04:02, 23/02/2012

Tăng ô nhiễm môi trường, thất thu thuế, gây mất an ninh trật tự đang là những vấn đề mà một số doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản và khai thác bất hợp pháp gây ra.

Tăng ô nhiễm môi trường, thất thu thuế, gây mất an ninh trật tự đang là những vấn đề mà một số doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản và khai thác bất hợp pháp gây ra.

Do khai thác bừa bãi nên nước ngập cả khu dân cư này
Do khai thác bừa bãi nên nước ngập cả khu dân cư này. Ảnh tư liệu


Là tỉnh Tây Nguyên, địa bàn rộng, Lâm Đồng có nhiều loại khoáng sản khác nhau như: bôxit, thiếc sa khoáng, cao lanh, các đá xây dựng, bentonit… Đến nay, UBND tỉnh đã cấp 250 giấy phép khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng cho các doanh nghiệp khai thác. Song, tình hình khai thác khoáng sản bất hợp pháp vẫn tiếp tục tái diễn, nổi bật nhất và có thể gọi là những điểm “nóng”: Khu vực khai thác thiếc sa khoáng tại xã Đạ Tông (Đam Rông), khai thác vàng sa khoáng tại các xã Tà Năng, Tà In, Đạ Quyn (Đức Trọng), khai thác thiếc gốc và thiếc sa khoáng Đạ Chais, Đa Nhim, Đạ Sa (Lạc Dương), khai thác cát và cao lanh tại Bảo Lộc.

Ngoài ra còn có các dự án khai thác và chế biến khoáng sản có công suất lớn và thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên - Môi trường như bôxit, cao lanh, vàng.

Hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cảnh quan (khai thác cát làm sạt lở sông suối, thay đổi dòng chảy; khai thác thiếc ảnh hưởng đến rừng nguyên sinh, đất và nguồn nước; khai thác đá xây dựng gây ô nhiễm môi trường…).

Theo quy định, trước khi được cấp giấy phép khai thác (thời hạn là 5 năm) các đơn vị đầu tư đều phải lập bản cam kết môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường, đồng thời phải chịu sự giám sát môi trường của cơ quan quản lý trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Điều đáng nói là, một số doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản. Thể hiện: khai thác khoáng sản không đúng thiết kế mỏ được phê duyệt; khai thác khoáng sản vượt công suất, vượt ranh giới được cấp phép. Chuyển nhượng quyền khai thác không thực hiện đúng theo các quy định của luật doanh nghiệp, luật khoáng sản. Trước khi được cấp phép thăm dò đã thi công một số hạng mục, không thực hiện các nội dung trong bản cam kết; thực hiện không đúng, không đầy đủ nội dung đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Không lập hồ sơ thuê đất đối với diện tích khai thác khoáng sản; trốn thuế, hạch toán không đúng nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Thêm vào đó, việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép đang gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và làm mất trật tự an ninh ở địa phương. Đó cũng chính là kết luận đánh giá các hành vi vi phạm trong quá trình sử dụng và khai thác khoáng sản của thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường qua 10 cuộc thanh tra đối với 10 đơn vị và phối hợp với Cục thuế tỉnh kiểm tra về thuế, phí và lệ phí đối với 6 đơn vị khai khoáng trong thời gian qua.

Từ phát hiện sai phạm trên, Sở nay đã ra quyết định xử phạt hành chính 7 đơn vị cá nhân với số tiền là 48 triệu đồng, đồng thời phối hợp với thanh tra Cục thuế Lâm Đồng tiến hành xử phạt 6 đơn vị khai thác khoáng sản với số tiền là 433 triệu đồng.

Có thể thấy, với lực lượng ít, địa bàn tỉnh rộng, cơ quan chức năng làm nhiệm vụ quản lý mới chỉ dừng lại ở các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, việc thực hiện các cuộc thanh tra thường xuyên, thanh tra chuyên ngành, thanh tra quản lý nhà nước chưa nhiều, nên có thể sẽ còn nhiều đơn vị vi phạm mà chưa được phát hiện. Nhưng khi đã phát hiện sai phạm cũng cần có biện pháp xử lý “mạnh tay” đủ sức răn đe, trong trường hợp vi phạm nặng nếu có thể thì cần đến biện pháp tước giấy phép.

Nhằm tăng cường quản lý việc khai thác khoáng sản và ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, UBND tỉnh đang chỉ đạo chính quyền các địa phương (UBND huyện) tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp được cấp phép trên địa bàn của mình, kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Trên thực tế, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên của chính quyền cấp huyện, xã nơi có khoáng sản chưa thực sự chặt chẽ. Với số lượng giấy phép khai thác khoáng sản đang có hiệu lực khá lớn; trong tình hình hiện nay nhiều doanh nghiệp, cá nhân có dấu hiệu vi phạm, cần tăng cường lực lượng cho công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý và ngăn chặn sai phạm, không để dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng.

THÁI AN