Không ít khách hàng và qua những lần các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tiếp xúc với cử tri, đã có nhiều ý kiến phàn nàn rằng: Không hiểu vì sao, khách hàng trả nợ vay ngân hàng trước hạn, lẽ ra cần được khuyến khích, nhưng ngược lại còn bị nộp… “phạt”một khoản tiền?
Không ít khách hàng và qua những lần các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tiếp xúc với cử tri, đã có nhiều ý kiến phàn nàn rằng: Không hiểu vì sao, khách hàng trả nợ vay ngân hàng trước hạn, lẽ ra cần được khuyến khích, nhưng ngược lại còn bị nộp… “phạt”một khoản tiền?
Khách hàng giao dịch vay, trả nợ tại Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Di Linh. |
Anh TVP (ở thị trấn Di Linh) không mấy vui, khi gặp chúng tôi và trao đổi: Sau khi trả xong nợ 500 triệu đồng cho Chi nhánh Ngân hàng CP Công thương Di Linh, tôi vay lại 400 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng. Sau khi thu hoạch xong cà phê, thấy giá không tăng mà ngày một tụt dần, đầu tháng 1/2012, tôi bán để trả nợ vay cho ngân hàng trước thời hạn hơn 2 tháng. Khi đến trả nợ, cán bộ ngân hàng bảo tôi phải nộp một khoản tiền, vì lý do không thực hiện đúng hợp đồng, trả nợ vay trước hạn. Nghe thế, tôi bực mình, mang số tiền đó về mua lại cà phê, rồi để chờ đến hạn mới trả, mắc chi để bị… “phạt”!
Sau đó, chúng tôi đến Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh vào một ngày đầu tuần. Khách hàng, người đến vay, người trả nợ đông nghịt từ trong ra ngoài. Anh NVT xong việc ra về, trông có vẻ vừa bực, nhưng vừa vui khi gặp chúng tôi: “Nhà báo xem sao chứ! Khách hàng trả nợ vay tín dụng chậm trễ, thì phải chịu trả lãi suất nợ quá hạn cao hơn đã đành, nay tôi đi trả nợ vay ngân hàng trước hạn, không được thưởng mà còn bị nộp… “phí” thì vô lý quá?”.
Không chỉ anh P, anh T, mà khách hàng nào cũng thế; không chỉ đối với Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp, mà các tổ chức tín dụng nào cũng vậy (chỉ trừ Ngân hàng Chính sách xã hội), khách hàng đều phải chịu trả thêm một khoản tiền, nếu trả nợ vay trước hạn! Khoản tiền đó là “phạt” hay “phí”? Cho dù tiền phạt hay lệ phí, qua tìm hiểu và trao đổi với khách hàng thì không có ai bằng lòng khi phải chịu nộp thêm một khoản tiền như thế!
Tuy nhiên, tại điều 1 của Thông tư số 05/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Quy định về thu phí cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng” ghi rõ: “Tổ chức tín dụng không được thu các loại phí liên quan đến khoản cho vay đối với khách hàng, trừ các khoản phí sau đây: 1/- Trả phí trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn…”. Điều đó, có nghĩa là khách hàng phải trả một khoản “phí” cho các tổ chức tín dụng khi trả nợ vay trước hạn.
Thực hiện Thông tư 05, ngày 19/5/2011, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã có Công văn số 479/ NHNoLĐ-KTNQ “Về việc hướng dẫn thu phí cho vay”. Công văn ghi rõ: “Phí trả nợ trước hạn: Khách hàng là hộ nông dân trả nợ trước hạn từ 60 ngày trở lên; các đối tượng còn lại nếu trả nợ trước hạn từ 30 ngày trở lên… Tỷ lệ phí 0,15%/tháng/số tiền trả nợ trước hạn. Mức thu tối thiểu: 100.000 đồng/món. Mức thu tối đa: 10 tháng/món…”. Đến ngày 8/6/2011, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng có tiếp Công văn số 556/NHNoLĐ-KTNQ “Về việc hướng dẫn bổ sung thu phí cho vay”. Theo đó, Chi nhánh hướng dẫn bổ sung: “Đối tượng không áp dụng thu phí trả nợ trước hạn là cán bộ, công nhân viên vay tín chấp trả bằng nguồn tiền lương và khách hàng vay theo hạn mức tín dụng”. Còn đối với các ngân hàng thương mại khác, việc triển khai Thông tư 05 cũng vận dụng tương tự.
Như vậy, thực hiện Thông tư 05 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay, các tổ chức tín dụng (trừ Ngân hàng Chính sách Xã hội) đều tiến hành thu “phí” trả nợ trước hạn. Việc thu phí như thế của các tổ chức tín dụng tuy là có căn cứ, nhưng thiết nghĩ “Quy định về thu phí cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng” của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có cần thiết phải thu phí đối với khách hàng trả nợ trước hạn hay không? Bởi vì chúng ta ai cũng mong muốn và khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân vay vốn để làm ăn hoặc đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và trả sòng phẳng được nợ nần. Cho dù hợp đồng vay vốn đã ký kết theo khế ước, nên chăng, chỉ áp dụng việc trả lãi suất cao hơn khi nợ vay đã quá hạn; còn việc phải trả “phí” khi trả nợ trước hạn thì cần được xem xét, điều chỉnh, vì chưa hợp lòng dân!
Bùi Trưởng