Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị của cử tri Lâm Đồng

03:03, 15/03/2012

- Luật Cán bộ, công chức đã đi vào cuộc sống, nhưng khi Nghị định 92 ra đời, cán bộ cơ sở rất kêu vì không đáp ứng được yêu cầu tăng cường chất lượng, hiệu quả công việc cho cơ sở như: Cán bộ bán chuyên trách chế độ làm việc của họ ra sao? Vì sao họ lại không được đóng bảo hiểm, ở thôn, tổ dân phố chỉ được ba chức danh hưởng phụ cấp, còn lại không có chế độ gì; Văn phòng Đảng ủy xã, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã cũng không có chế độ gì? Bộ Nội vụ có tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 92 hay không? Nếu không sửa thì có giải pháp gì để nâng cao chất lượng công việc của cơ sở?

- Luật Cán bộ, công chức đã đi vào cuộc sống, nhưng khi Nghị định 92 ra đời, cán bộ cơ sở rất kêu vì không đáp ứng được yêu cầu tăng cường chất lượng, hiệu quả công việc cho cơ sở như: Cán bộ bán chuyên trách chế độ làm việc của họ ra sao? Vì sao họ lại không được đóng bảo hiểm, ở thôn, tổ dân phố chỉ được ba chức danh hưởng phụ cấp, còn lại không có chế độ gì; Văn phòng Đảng ủy xã, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã cũng không có chế độ gì? Bộ Nội vụ có tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 92 hay không? Nếu không sửa thì có giải pháp gì để nâng cao chất lượng công việc của cơ sở?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời:
 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

1. Về số lượng, chế độ làm việc và chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố:

- Trước năm 2010, căn cứ Pháp lệnh cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, trong đó đã quy định cụ thể 19 chức danh ở cấp xã, 3 chức danh ở thôn và 2 chức danh ở tổ dân phố (tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 2); đồng thời, Chính phủ giao UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương quyết định cụ thể số lượng cán bộ không chuyên trách cho từng xã, phường, thị trấn và mức phụ cấp cụ thể cho từng chức danh (Điều 7 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP).

Từ năm 2010 trở đi, căn cứ Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, trong đó đã đổi tên “Cán bộ không chuyên trách” thành “người hoạt động không chuyên trách” cho phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 84 Luật Cán bộ, công chức; đồng thời quy định số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ 19 đến 22 người (theo phân loại xã) và ở mỗi thôn, tổ dân phố không quá 3 người.

Như vậy, số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố tính theo chức danh thì không thấp hơn so với trước đây. Đồng thời Chính phủ giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể chức danh những người hoạt động không chuyên trách bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, việc quy định các chức danh trong “Văn phòng Đảng ủy xã”, “Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã” hoặc bố trí cán bộ chuyên trách cấp xã kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách là thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. Trường hợp bố trí cán bộ chuyên trách kiêm nhiệm thì cán bộ đó vừa hưởng lương do Chính phủ quy định vừa hưởng phụ cấp do HĐND cấp tỉnh quy định; trường hợp không bố trí kiêm nhiệm thì người hoạt động không chuyên trách hưởng phụ cấp do HĐND cấp tỉnh quy định.

- Chế độ làm việc của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội và chính quyền cấp xã phân công phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức. Mặt khác, hiện tại ở cơ sở nhiều trường hợp còn kiêm nhiệm thêm một số chức danh không chuyên trách khác và hưởng phụ cấp chức danh kiêm nhiệm do HĐND cấp tỉnh quy định.

- Về chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách: Về chế độ phụ cấp và khoán kinh phí hoạt động, tại Điều 14 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định mức phụ cấp cao nhất đối với người hoạt động không chuyên trách là 1,0 so với mức lượng tối thiểu chung, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 2/3. Việc quy định hệ số cao nhất 1,0 nêu trên là để bảo đảm sự thống nhất giữa các địa phương và bảo đảm tương quan với hệ số lương của công chức cấp xã (công chức cấp xã chưa qua đào tạo chuyên môn có hệ số lương là 1,18); đồng thời thực hiện khoán kinh phí chi trả phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách theo loại đơn vị hành chính cấp xã, loại thôn, tổ dân phố và khoán kinh phí hoạt động của các đoàn thể ở cấp xã theo số lượng những người hoạt động không chuyên trách đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Về chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế: Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 84 Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là đối tượng hưởng phụ cấp (không thuộc đối tượng hưởng lương) nên theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định số 62/2009/NĐ-CP ngày 27/7/2009 của Chính phủ, với mức đóng bảo hiểm y tế (tính từ ngày 1/1/2010) bằng 4,5% mức lương tối thiểu, trong đó người hoạt động không chuyên trách đóng 1/3, UBND xã đóng 2/3.

2. Về việc sửa đổi Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và giải pháp nâng cao chất lượng công việc của cơ sở (cấp xã):

Việc quy định những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã được nêu tại các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Trung ương 6 (khóa X) của Đảng và đã được quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008, vì vậy để có đủ căn cứ hoàn thiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng này cần phải tiến hành tổng kết các Nghị quyết của Đảng, trên cơ sở đó Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 92/2009/NĐ-CP cho phù hợp.

Trong thời gian chưa tiến hành tổng kết các Nghị quyết của Đảng và chưa sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP thì để nâng cao chất lượng công việc của cơ sở cần phải tăng cường củng cố hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn; làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; thực hiện tốt việc khoán kinh phí hoạt động, nhằm khuyến khích người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm chức danh để được hưởng phụ cấp cao hơn.