(LĐ online) - Đèo Ngoạn Mục (Sông Pha) được khởi công từ giữa năm 2008 đến nay vẫn chưa có hồi kết. Đường đèo bị cày xới mở rộng, đất đá nham nhở, chi chít “ổ gà”, “ổ voi”, nắng bụi, mưa lầy, rồi sạt núi…
(LĐ online) - Đèo Ngoạn Mục (Sông Pha) nằm trên Quốc lộ 27, nối liền hai tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng, có tổng chiều dài 20 km. Được đánh giá là tuyến Quốc lộ huyết mạch, cửa ngõ quan trọng nối liền các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ với các tỉnh Tây Nguyên, nhưng Dự án nâng cấp Quốc lộ 27 (trong đó có đoạn qua đèo Ngoạn Mục) được khởi công từ giữa năm 2008 đến nay vẫn chưa có hồi kết. Đường đèo bị cày xới mở rộng, đất đá nham nhở, chi chít “ổ gà”, “ổ voi”, nắng bụi, mưa lầy, rồi sạt núi… gây khó khăn cho người dân khi có việc phải đi qua đây.
Tài xế Phan Lạc Nam (Phường 9, Đà Lạt) - người thường xuyên chở hàng về Ninh Thuận cho biết, trước đây qua đèo chỉ mất khoảng 40 - 45 phút; từ ngày dự án nâng cấp mở rộng đường đèo được triển khai thì thời gian qua đèo phải tăng gấp đôi, kéo theo lộ trình Đà Lạt - Phan Rang từ 3 tiếng nay lên 4 tiếng, thậm chí còn hơn. Những lúc sương mù, đường lại xấu, lái xe qua đèo hết sức nguy hiểm. Nếu tính thiệt hại về vật chất thì cũng khó xác định, nhưng lái xe có thể định lượng nhiên liệu tăng thêm do đường xấu không dưới 15%.
Hiện nay, các phương tiện qua lại đèo Ngoạn Mục đã giảm hẳn. Ngoại trừ các chủ xe tải, xe khách kinh doanh tuyến cố định Phan Rang - Đà Lạt thì vẫn duy trì, còn các phương tiện khác đều chọn phương án “né” đèo Ngoạn Mục. Một người bạn làm việc tại Sở Nông nghiệp Lâm Đồng cho hay, do đường đèo quá xấu nên để về công tác Phan Rang đơn vị đã chọn phương án đi đường vòng từ Nha Trang vào, mặc dù lộ trình phải kéo dài gần gấp đôi.
Chưa ai thống kê Dự án nâng cấp Quốc lộ 27 chậm tiến độ đã gây thiệt hại về vật chất, tinh thần là bao nhiêu. Tuy nhiên, những điểm đến như Ninh Chữ, Vĩnh Hy… từ Đà Lạt đã không còn trong tua, tuyến của các công ty du lịch. Và thiệt hại không chỉ cho Ninh Thuận mà cả với Lâm Đồng.
Điều đáng nói là Dự án nâng cấp Quốc lộ 27 (đoạn qua đèo Ngoạn Mục) vẫn chưa có hồi kết. Trước mắt, người dân muốn đi lại giữa Đà Lạt - Phan Rang bằng con đường ngắn nhất, thì phải qua Ngoạn Mục gian nguy.
Thi công dang dở, mặt đường nham nhở đất đá, hố hầm. |
Những chuyến xe chở hàng ì ạch “bò” qua đèo. |
Hộ lan là những cây rừng tạm bợ. |
Xe máy “đắp chiếu” nằm chờ giải quyết sự cố khi có sạt lở. |
Và tấm biển này không biết bao giờ được hạ xuống. |
LÊ KIÊN