Nhìn từ Hồ sơ dược liệu quốc gia hứa hẹn nhiều cơ hội cho người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam. Lộ trình biến tiềm năng dược liệu đứng thứ ba trên thế giới thành các sản phẩm thuốc mang thương hiệu quốc gia đến năm 2030 và có thể lâu hơn nữa.
Nhìn từ Hồ sơ dược liệu quốc gia hứa hẹn nhiều cơ hội cho người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam. Lộ trình biến tiềm năng dược liệu đứng thứ ba trên thế giới thành các sản phẩm thuốc mang thương hiệu quốc gia đến năm 2030 và có thể lâu hơn nữa.
Sản xuất thuốc từ cây Actisô tại Công ty CP Dược Lâm Đồng (Ladophar). |
Cơ hội để phát triển dược liệu và sản phẩm thuốc quốc gia được mở ra kể từ năm 2010 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương có tiềm năng phát triển dược liệu để xây dựng hoàn chỉnh 40 bộ hồ sơ dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường. Trong 40 dược liệu dự kiến xây dựng hồ sơ, có 6 dược liệu được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo ưu tiên xây dựng trước là: Sâm Ngọc linh, Đại hồi, Trinh nữ hoàng cung, Quế, Tràm, Actisô. Hiện nay, ba loại dược liệu: Sâm Ngọc linh, Đại hồi, Trinh nữ hoàng cung đã được Bộ Y tế đề xuất chuyển hồ sơ sang Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia; còn 3 dược liệu: Quế, Tràm, Actisô đang trong giai đoạn rà soát và hoàn chỉnh hồ sơ để đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia trong thời gian tới.
Mục đích xây dựng hồ sơ 40 dược liệu góp phần tư liệu hóa những nghiên cứu về dược liệu, làm cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) có định hướng công tác phát triển dược liệu và trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển dược liệu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Một hồ sơ dược liệu hoàn chỉnh gồm có: Hồ sơ về khoa học (đảm bảo nhận dạng đúng dược liệu, các dữ liệu liên quan đến điều kiện sinh trưởng của cây thuốc, giống cây thuốc); Hồ sơ về y tế (liên quan đến công dụng, truyền thống sử dụng dược liệu, phương pháp thu hái, sơ chế, chế biến, hiệu quả sử dụng theo quan điểm hiện đại); Hồ sơ về kinh tế (triển vọng phát triển thị trường, giá bán, đánh giá về tiềm năng phát triển thành sản phẩm quốc gia, có tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao).
Danh mục 40 dược liệu được xếp thứ tự ưu tiên trong xây dựng hồ sơ dược liệu quốc gia, bao gồm: Sâm Ngọc linh, Trinh nữ hoàng cung, Đại hồi, Quế, Tràm, Actisô, Hoa hòe, Đương quy, Kim tiền thảo, Sinh địa, Cúc hoa vàng, Ba kích, Hoài sơn, Ngưu tất, Diệp hạ châu, Ích mẫu, Đinh lăng, Hà thủ ô đỏ, Đẳng sâm, Vàng đắng, Cát cánh, Trạch tả, Xuyên khung, Bạch chỉ, Bách bộ, Huyền sâm, Mạch môn, Kỷ tử, Kim ngân, Thiên môn, Bồ công anh, Hương phụ, Bạc hà, Bình vôi, Nghệ, Hạ khô thảo, Sen, Ý dĩ, Tục đoạn, Mã đề. |
Từ nguồn tài nguyên dược liệu đa dạng, phong phú của quốc gia, Việt Nam được xếp hạng thứ ba trên thế giới, với 3.948 loài cây thuốc, 52 loài tảo biển, 75 loại khoáng vật và 408 loài động vật làm thuốc, để biến thành sản phẩm thuốc chữa bệnh trong nước và xuất khẩu là cả một quá trình dài. Trong vòng 10 năm qua, một số tiến bộ trong việc hiện đại hóa nền y học cổ truyền tạo sản phẩm thuốc mới điều trị ung thư từ cây Trinh nữ hoàng cung đã đánh dấu bước phát triển mới và hứa hẹn cho sự đánh thức tiềm năng dược liệu quốc gia.
Một trong hai sản phẩm thuốc được sản xuất từ cây Trinh nữ hoàng cung hiện có trên thị trường dược phẩm Việt Nam phải kể đến sản phẩm Crila (của Công ty TNHH Thiên Dược) là thuốc đặc trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung - một căn bệnh có số phụ nữ mắc chiếm tỉ lệ cao 35-40%. Sản phẩm thuốc Crila được Cục quản lý Dược cho phép lưu hành từ năm 2005 đến nay, có hiệu quả điều trị cao đối với bệnh u xơ tử cung (đạt 79,5%) và bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt (đạt 89,18%). Từ năm 2009 còn có thêm sản phẩm Tadimax là viên bao fim với chỉ định điều trị phì đại tuyến tiền liệt được sản xuất từ cao hỗn hợp của cây Trinh nữ hoàng cung với một số cây thuốc khác.
Cây Actisô được ưu tiên đi vào hồ sơ dược liệu quốc gia liệu có tạo ra “sự chuyển động” trong vương quốc dược liệu mà nó sinh trưởng của Đà Lạt - Lâm Đồng vốn xếp Actisô vào loại đặc sản. Trong lĩnh vực công nghiệp dược, hiện nay cả nước có trên 100 sản phẩm có chứa Atisô, với sự đa dạng trong cách thức bào chế, có tác dụng chủ yếu là điều trị các bệnh liên quan đến gan mật. Về mặt kinh tế, theo tính toán của Công ty Cổ phần Traphaco, trồng Atisô trung bình thu được 40 - 60 tấn lá tươi/ha/năm, với giá bán theo thị trường hiện nay, người nông dân có thể thu về từ 80 - 120 triệu đồng/ha; hoa Actisô và rễ Actisô cho hiệu quả 80 - 100 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, tổng thu hoạch từ cây Actisô khoảng 160 - 220 triệu đồng/ha/năm, có lãi từ 120 - 160 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, cũng theo các nhà sản xuất kinh doanh thuốc của Cty CP Traphaco cho rằng: Đối với dược liệu Actisô cần có những nghiên cứu về giống, tạo ra những giống mới có phẩm chất tốt cho năng suất cao, chất lượng tốt, ổn định, phù hợp và cần có những nghiên cứu về phương pháp thu hái, chế biến, bảo quản Actisô đảm bảo chất lượng, hiệu quả và thuận tiện cho người dân.
DIỆU HIỀN