Bể hụi trên 50 tỷ đồng tại Đà Lạt: Người dân cần cảnh giác

09:03, 21/03/2012

Liên tiếp những ngày gần đây, Báo Lâm Đồng nhận được đơn tố cáo của hàng chục hộ dân thành phố Đà Lạt tố cáo vợ chồng ông bà Trần Văn Đẳng - Bùi Thị Mỹ Dung tạm trú tại quán cà phê Chiều Tím (số 5 Mê Linh - phường 9 - thành phố Đà Lạt) về việc họ lập nhiều đường dây “hụi ma” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ năm 2007, đến nay bỗng dưng bỏ trốn. Ước tính số tiền thất thoát của các “con hụi” lên tới trên 50 tỷ đồng.

Liên tiếp những ngày gần đây, Báo Lâm Đồng nhận được đơn tố cáo của hàng chục hộ dân thành phố Đà Lạt tố cáo vợ chồng ông bà Trần Văn Đẳng - Bùi Thị Mỹ Dung tạm trú tại quán cà phê Chiều Tím (số 5 Mê Linh - phường 9 - thành phố Đà Lạt) về việc họ lập nhiều đường dây “hụi ma” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ năm 2007, đến nay bỗng dưng bỏ trốn. Ước tính số tiền thất thoát của các “con hụi” lên tới trên 50 tỷ đồng.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng và được đại diện Công an phường 9 cho biết, liên tiếp nhiều ngày gần đây tiếp nhận đơn của nhiều người dân đến tố cáo ông Đẳng - bà Dung về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo đơn tố cáo, vợ chồng ông Đẳng, bà Dung tổ chức cầm “cái hụi” rồi kêu gọi các chị em (phần lớn là những người buôn bán tự do) tại Đà Lạt quen trong quan hệ làm ăn sinh sống hàng ngày, tham gia. Bằng phương pháp tạo vỏ bọc bên ngoài, khuếch trương, đánh bóng tên tuổi nhằm tạo độ tin cậy với các “con hụi” và với dư luận xã hội bên ngoài, vợ chồng ông Đẳng - bà Dung đã mua xe hơi gắn biển số đẹp (49X - 8020), trên người đeo nhiều vàng, túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền. Ban đầu chỉ kêu hụi từ 10 - 50 triệu đồng/phần về sau số tiền chơi được tăng dần lên tới hàng trăm triệu đồng và kéo hàng chục người tham gia.

Cũng vì hám lời trước mắt, số tiền lời cao, nhiều chị em đã hùn hạp, gom góp chơi hụi cùng hai vợ chồng này, có người còn thế chấp tài sản vay ngân hàng để chơi. Thời gian đầu thực hiện rất phòng phẳng, về sau thưa dần và rồi đến một ngày gần đây họ không liên lạc được điện thoại với chủ hụi là bà Dung - ông Đẳng. Phát hiện gia đình chủ hụi không còn ở Đà Lạt, nhiều người mới lo lắng gửi đơn tố cáo tới Phòng PC45 - Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an phường 9 và nhiều cơ quan báo chí nhờ can thiệp.

Theo thông tin ban đầu của 13 chị em đã ký tên trong đơn tố cáo, số tiền mà họ hùn hạp chơi hụi có khả năng mất trắng lên tới trên 50 tỷ đồng. Còn theo thông tin từ các cơ quan chức năng địa phương cho biết, hiện còn rất nhiều người bị mất tiền trong đường dây hụi này nhưng chưa khai báo hoặc không khai báo với cơ quan chức năng vì nhiều lý do khác nhau.

Liên hệ với phòng PC45 - Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm trật tự xã hội Công an tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi được biết, hiện đang trong quá trình khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc.

Ngay sau khi nhận được yêu cầu của cơ quan công an, vợ chồng ông bà Đẳng - Dung đã có mặt tại Đà Lạt và liên tiếp được cơ quan Công an mời lên để điều tra xét hỏi. Tuy nhiên, số tiền của những người tham gia chơi hụi thì vẫn chưa nhận được hồi âm.
Trong đơn trình bày gửi Báo Lâm Đồng, một số người tham gia chơi hụi cho biết: “ … vào ngày 8/3/2012, vợ chồng ông bà Dung - Đẳng đã gọi điện thoại di động bằng số 0972.790.652, liên lạc với chúng tôi, thương lượng bảo chị em rút đơn kiện ở Công an tỉnh Lâm Đồng thì sẽ gửi trả về cho mỗi chị em 50 triệu đồng, sau đó sẽ gửi tiếp còn nếu không chịu thì chờ pháp luật xử lý…”. Cũng theo đơn tố cáo, khoảng 8 giờ sáng ngày 9/3 (sau khi nhận thông tin đã rút đơn kiện) vợ chồng ông bà Dung - Đẳng đã gửi về cho chị Nguyễn Thị Tịnh (27 Lê Hồng Phong, phường 4, Đà Lạt) 250 triệu đồng, nhờ chị Tịnh phân phát trả cho một số chị em…!

Nhiều năm qua, hàng chục, hàng trăm vụ vỡ nợ do bể hụi đã xảy ra trên khắp các tỉnh thành cả nước và ngay tại Đà Lạt, Đức Trọng… với số tiền rất lớn, tuy nhiên, người dân thì vẫn không tỉnh táo rút ra bài học kinh nghiệm cho mình để rồi “tiền mất tật mang”.

Chơi hụi, tổ chức chơi hụi chỉ mang tính chất tương trợ, giúp đỡ nhau chứ Nhà nước không cho phép tổ chức chơi hụi mang tính chất cho vay nặng lãi, đặt ra mức lãi suất cao để dụ dỗ người tham gia. Các hành vi lợi dụng để lừa đảo như: khuếch trương khả năng tài chính, dụ dỗ người khác chơi hụi với lãi suất cao, tổ chức nhiều dây hụi lớn để hốt rồi bỏ trốn hoặc cố ý tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ… khiến người bị hại là các “con hụi” phải lao đao là hành vi vi phạm pháp luật.

Thiết nghĩ với các biểu hiện nêu trên cần phải được pháp luật nhanh chóng can thiệp, xử lý nghiêm minh để đảm bảo công bằng trước pháp luật, lấy lại niềm tin trong nhân dân.
 

PV bạn đọc