"Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” ở Lâm Đồng

03:03, 11/03/2012

Cưới, tang, lễ hội tác động đến mọi khía cạnh, lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cưới, tang, lễ hội tác động đến mọi khía cạnh, lĩnh vực của đời sống xã hội. "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm “nền tảng tinh thần” và là động lực cho sự phát triển kính tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong giai đoạn mới…

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống là vấn đề cần quan tâm trong các lễ hội
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống là vấn đề cần quan tâm trong các lễ hội


Năm 2008, sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” trên cả nước; trên cơ sở những kết quả đạt được, những hạn chế vướng mắc và yêu cầu bức xúc cần đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa trong các tầng lớp nhân dân, tạo động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Kết luận số 51-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW. Ngày 25/9/2009, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 58-KH/TU đề ra chủ trương phải tập trung khắc phục những yếu kém, khuyết điểm nhất là những vấn đề nảy sinh, nổi cộm gây bức xúc trong dư luận xã hội địa phương và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội  trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.  

Qua hơn 2 năm (2010 - 2011) tiếp tục "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh về xây dựng nếp sống văn hóa trong cưới, tang, lễ hội có nhiều chuyển biến. Đây còn là việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, sửa đổi năm 2011) đặt ra "...làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong cưới, tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua  từng bước đi vào quy củ, góp phần làm chuyển biến nhận thức của đại bộ nhận nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trong việc cưới, các thủ tục được đơn giản hóa gọn nhẹ; việc đăng ký kết hôn phần lớn thực hiện đúng quy định của pháp luật; các nghi lễ trong việc cưới thực hiện trang nghiêm và giữ được thuần phong mỹ tục. Phần lớn các lễ cưới được tổ chức tại nhà hàng, một số tổ chức ở hội trường, Trung tâm Văn hóa các huyện, Nhà văn hóa cộng đồng và tại gia đình. Một số địa phương tổ chức cưới mẫu theo nếp sống văn minh và cưới tập thể cho thanh niên ở các xã như: Ninh Loan, Tân Hội, Bình Thạnh (huyện Đức Trọng); Nhiều gia đình ở Cát Tiên tổ chức cưới không mời thuốc lá; một số địa phương khác bắt đầu áp dụng hình thức báo hỷ hoặc chỉ đãi tiệc ngọt...

Trong việc tang, gắn giữa các quy định của pháp luật với quy ước, hương ước khu dân cư và công tác tuyên truyền ở từng địa phương, việc thực hiện tang chay trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến. Chính quyền các địa phương đã thực hiện việc quy hoạch đất các nghĩa trang, nghĩa địa và vận động nhân dân chôn cất người mất đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tình trạng chôn cất người chết trên đất sản xuất, trong khuôn viên gia đình không còn. Khi có người qua đời, các gia đình đều khai tử, báo cáo với chính quyền địa phương và khu dân cư để nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng như các “Hội đồng hương”, “Hội hiếu” đóng góp cùng tang gia lo tang chay ấm cúng; các địa phương khi có người mất đều thành lập Ban tang lễ cùng với gia đình lo tang ma chu đáo thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc; qua đó thắt chặt tình làng nghĩa xóm trong nhân dân. Việc lưu giữ thi hài người quá cố trong gia đình thường trong vòng 48 giờ. Trong tang lễ, đa số gia đình tổ chức gọn nhẹ, không phúng điếu, ăn uống linh đình; các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên giảm đáng kể.

Về lễ hội,  hiện nay toàn tỉnh có 207 lễ hội; trong đó có 67 lễ hội dân gian, 94 lễ hội tôn giáo, 30 lễ hội lịch sử cách mạng, 14 lễ hội văn hóa du lịch và 2 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Lâm Đồng có hơn 40 dân tộc anh em sinh sống, phong tục tập quán, nét văn hóa riêng của từng dân tộc trong quá trình sinh sống có sự đan xen tạo nên một nét văn hóa đa dạng và đặc sắc. Tuy nhiên, các lễ hội truyền thống của người đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn giữ nét rất riêng và đang được bảo tồn như Lễ hội Lòng Tòng của người Tày, Nùng (ở Cát Tiên); Lễ hội cồng chiêng của các dân tộc bản địa; Lễ hội ném còn của người dân tộc Thái (ở Đức Trọng, Lâm Hà...); Lễ hội cầu an hàng năm của người Tày, Nùng, Hoa; Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc hàng năm của huyện Lâm Hà; Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ Giáng sinh, Lễ Phật đản... Hoạt động lễ hội đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, truyền thống văn hoá, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ...

Song nhìn chung, việc cưới, việc tang và hoạt động lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh trong những qua vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai thực hiện ở một số địa phương, đơn vị còn mang tính hình thức; thiếu biện pháp thiết thực; thiếu kiểm tra, đôn đốc và chưa quyết liệt trong việc phê bình, chưa có chế tài đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của địa phương trong cưới, tang, lễ hội. Việc bình xét công nhận các danh hiệu gia đình, khu dân cư, cơ quan văn hoá... ở đa số các địa phương chưa áp dụng triệt để các tiêu chí về "thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội" đã được đề ra… Công tác tuyên truyền, vận động chưa được các cấp, các ngành, các đoàn thể tiến hành thường xuyên nên chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa lan toả đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Trong việc cưới, vẫn còn xảy ra tình trạng tảo hôn, thách cưới ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng với hủ tục của chế độ mẫu hệ khắt khe ràng buộc; tình trạng cưới không hôn thú (không đăng ký kết hôn) vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình vẫn còn xảy ra. Một số đám cưới tổ chức linh đình, mời đông khách, hiện tượng thương mại hoá trong tiệc cưới vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng ở một số vùng đô thị...

Trong việc tang, việc để thi hài người chết dài ngày vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương; các hiện tượng mê tín dị đoan: cúng ma, yểm bùa, đốt, rải vàng mã (thậm chí tiền thật) vẫn diễn ra ở một số đám tang; việc phúng điếu quá nhiều vòng hoa, xây mộ nhiều tiền lãng phí; hiện tượng mời các dàn nhạc đàn hát hay mở nhạc với tần suất âm thanh quá lớn trong các đám tang gây ồn ào trong khu dân cư đang có xu hướng phát sinh gây bức xúc trong dư luận nhân dân ở một số địa phương...

Trong lễ hội, tình trạng phô trương, lãng phí, thương mại hoá trong các lễ hội vẫn tồn tại; một số lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số chưa được quan tâm khôi phục lại, hoặc đã được khôi phục nhưng chưa được tổ chức thường xuyên. Các hoạt động văn hoá, thể thao trong các lễ hội còn bị xem nhẹ, tổ chức sơ sài; trong khi đó, hiện tượng lợi dụng lễ hội để cờ bạc ăn thua;  hoạt động mê tín dị đoan: rút quẻ, xem bói, lên đồng, cầu hồn... vẫn còn diễn ra ở các đền, chùa....

Tại Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội" ở Lâm Đồng, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng - Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh tổ chức (cuối 2/2012) đã đề cập nhiều vấn đề đáng quan tâm; trong đó, phải tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong việc tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về ý nghĩa của việc "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội" là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, đất nước trong tình hình mới. Phải gắn kết đồng bộ giữa "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội" với việc “Tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua yêu nước; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong  cưới, tang, lễ hội;  đưa thành những tiêu chí bắt buộc vào đánh giá bình xét các danh hiệu thi đua của hộ dân, từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên... hàng năm. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là đảng viên có chức, có quyền trong việc "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội"... Các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội; thường xuyên kiểm tra việc tổ chức cưới, tang, lễ hội ở các địa phương, hộ gia đình, khu dân cư...Kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, những việc làm sai trái, những hiện tượng tiêu cực phát sinh…

THANH DƯƠNG HỒNG