Cung đường ĐT 723 được đưa vào khai thác mấy năm nay và trở thành tuyến đường du lịch quan trọng kết nối thành phố biển Nha Trang và phố núi Đà Lạt. Thế nhưng,bên cạnh những phát sinh sụt trượt tại một số vị trí cần phải khắc phục sửa chữa, đoạn 6 km từ ngã ba Bờ Sa đến Trại Mát (phường 11 - Tp. Đà Lạt) vẫn chưa hoàn thành theo tiến độ.
Cung đường ĐT 723 được đưa vào khai thác mấy năm nay và trở thành tuyến đường du lịch quan trọng kết nối thành phố biển Nha Trang và phố núi Đà Lạt. Thế nhưng,bên cạnh những phát sinh sụt trượt tại một số vị trí cần phải khắc phục sửa chữa, đoạn 6 km từ ngã ba Bờ Sa đến Trại Mát (phường 11 - Tp. Đà Lạt) vẫn chưa hoàn thành theo tiến độ.
Đất đá ở đường 723 sụt trượt tại xã Đạ Chay |
Dự án được triển khai thực hiện mấy năm trở lại đây nhưng đến thời điểm này tiến độ thi công đoạn 6 km từ ngã ba Bờ Sa đến Trại Mát (phường 11, thành phố Đà Lạt) vẫn ì ạch, chưa có khả năng hoàn thành trong năm nay. Dự án này được đầu tư từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư toàn bộ các hạng mục lên tới gần 90 tỷ đồng, tiến độ đề ra đến tháng 6 này sẽ phải hoàn thành. Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, so với kế hoạch đề ra đã chậm tiến độ, song hiện tại vẫn chưa nhận được thông báo bố trí nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Trong khi đó theo quy định mới của Chính phủ, dự án phải được bố trí vốn trong năm kế hoạch và phải bố trí đủ vốn mới tiếp tục triển khai. Chính vì vậy mà hiện trên công trường thi công, nhà thầu mới thi công khâu chuẩn bị phần nền đường, tập trung xử lý mương thoát nước, các hạng mục này cơ bản hoàn thành trong quý 2. Khó khăn về nguồn vốn chưa được giải quyết, dự án còn gặp phải một số vướng mắc đối với các hạng mục liên quan đến hạ lưu cống dân sinh. Mặc dù các hạng mục này đã được điều chỉnh thiết kế từ hạ lưu cống phải có mương nước dẫn dòng đổ ra suối, nhưng trên thực tế triển khai, một số hộ dân không chịu giải tỏa mặt bằng thi công, còn các hộ đồng ý thì đòi giá bồi thường gấp 3 đến 5 lần so với các diện tích đã được bồi thường phần mở rộng nền đường trước đây. Nếu không xử lý tốt mương thoát nước, mỗi khi mưa lớn, nước tràn xuống phá vườn, gây thiệt hại cho người dân, còn nếu đền bù theo như người dân nêu trên sẽ không công bằng với những người đã nhận tiền đền bù giao đất thực hiện dự án mà chỉ có thể tính thêm phần trượt giá vào khung giá đền bù đã thực hiện.
Bên cạnh tiến độ chậm, dọc theo tuyến đường ĐT 723 còn phát sinh một số vị trí sụt trượt mái ta luy âm và dương. Nguyên nhân, bởi công trình đường ĐT 723 trên địa phận Lâm Đồng kéo dài hàng mấy chục km, đi qua nền địa chất mới nên việc phát sinh những vấn đề cần xử lý luôn có thể xảy ra và nếu không khắc phục triệt để thì quá trình đầu tư tuyến đường này không phát huy hết hiệu quả. Cụ thể, trên địa bàn xã Đạ Chay có trên 200 m ta luy bị sụt trượt. Sau khi tỉnh có chủ trương xử lý, Sở Giao thông vận tải đã tiến hành giải tỏa đất đá đổ xuống mặt đường, gia cố rọ đá ngăn sụt trượt vào mùa mưa lũ. Thế nhưng trong quá trình khắc phục lại phát sinh thêm nguồn nước ngầm dài 20 m nên cần có giải pháp xử lý triệt để bằng giải pháp cọc khoan nhồi, tường bê tông kiên cố. (Riêng nguồn vốn để khắc phục sự cố theo hướng cọc khoan nhồi, tường bê tông này cần 20 tỷ đồng do Công ty cổ phần Xây dựng cầu 18 thầu thi công).
Gốc rễ của vấn đề đó là khó khăn về nguồn vốn đầu tư dự án và xử lý sự cố. Ông Trương Hữu Hiệp cho hay: Nếu trong thời gian tới được bố trí vốn và khả năng chỉ được phân bổ một phần ba trong toàn bộ dự án đoạn 6 km nêu trên, Sở sẽ cố gắng phối hợp với nhà thầu thi công (Công ty Hùng Phát) thi công dứt điểm công trình vào cuối năm nay nhưng phải phụ thuộc vào tiềm lực của nhà thầu. Đối với gói thầu xử lý sụt trượt, hiện cũng gặp khó, mới chỉ ứng một phần khoảng 3,1 tỷ đồng trong tổng dự toán xử lý sự cố này.
KHẢI NHIÊN