Bệnh tay chân miệng

03:04, 03/04/2012

Trong tháng 3, Sở Y tế ghi nhận có 67 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 10 ca so với tháng trước. Đáng chú ý là số ca bệnh được phát hiện nằm rải rác ở tất cả 12 huyện, thành phố của tỉnh, trong khi vào tháng 2 ghi nhận 5 địa phương không có ca bệnh nào. Kết quả xét nghiệm một vài trường hợp mang chủng vi-rút có độc lực cao (EV71) có thể gây các biến chứng nặng dễ dẫn đến tử vong.

Trong tháng 3, Sở Y tế ghi nhận có 67 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 10 ca so với tháng trước. Đáng chú ý là số ca bệnh được phát hiện nằm rải rác ở tất cả 12 huyện, thành phố của tỉnh, trong khi vào tháng 2 ghi nhận 5 địa phương không có ca bệnh nào. Kết quả xét nghiệm một vài trường hợp mang chủng vi-rút có độc lực cao (EV71) có thể gây các biến chứng nặng dễ dẫn đến tử vong.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện Quyết định số 581 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng”. Do đặc điểm của bệnh tay chân miệng thường tăng từ tháng 3-5 và tháng 9-12 hàng năm nên cần tăng cường các hoạt động phòng chống dịch vào mùa cao điểm.

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là: Sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Đặc biệt kèm theo các dấu hiệu thần kinh hoặc tim mạch như: Sốt cao, giật mình, lừ đừ, run chi, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, rung giật cơ, đi loạng choạng, da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Hầu hết các ca bệnh đều diễn tiến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể nặng, gây biến chứng nguy hiểm như: viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Tác nhân gây bệnh: Do các vi-rút thuộc nhóm vi-rút đường ruột có thể gây ra bệnh tay chân miệng, gồm: Coxsackies, Echo và các vi-rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi-rút đường ruột tuýp 71 (EV71) và Coxsackies A16, A6. Vi-rút EV 71 có thể gây các biến chứng nặng và dẫn đến tử vong, còn các vi-rút đường ruột khác thường gây bệnh nhẹ. Vi-rút gây ra bệnh tay chân miệng có thể tồn tại nhiều ngày ở điều kiện bình thường và nhiều tuần ở nhiệt độ 4oC. Tia cực tím, nhiệt độ cao, các chất diệt trùng như Formaldehyt, các dung dịch khử trùng có chứa Clo hoạt tính có thể diệt được các vi-rút này.

Nguồn bệnh là người mắc bệnh hoặc người mang vi-rút nhưng không có triệu chứng. Thời kỳ ủ bệnh từ 3-7 ngày. Thời kỳ lây truyền vài ngày trước khi phát bệnh, mạnh nhất trong tuần đầu của bệnh và có thể kéo dài vài tuần sau đó, thậm chí sau khi bệnh nhân hết triệu chứng. Vi-rút có khả năng đào thải qua phân trong vòng từ 2-4 tuần, cá biệt có thể tới 12 tuần sau khi nhiễm. Vi-rút cũng tồn tại, nhân lên ở đường hô hấp trên và đào thải qua dịch tiết từ hầu họng trong vòng 2 tuần. Vi-rút cũng có nhiều trong dịch tiết từ các nốt phỏng nước, vết loét của bệnh nhân.

Đường lây truyền: Bệnh tay chân miệng lây truyền qua đường tiêu hóa. Thức ăn, nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày như: chén, bát, đĩa, thìa, cốc bị nhiễm vi-rút từ phân, hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp người với người qua các dịch tiết đường hô hấp, hạt nước bọt. Một số yếu tố có thể làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát dịch tay chân miệng bao gồm: mật độ dân số cao, sống chật chội, điều kiện vệ sinh kém, thiếu nhà vệ sinh, thiếu hoặc không có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Mọi người đều có thể nhiễm vi-rút gây bệnh tay chân miệng nhưng không phải tất cả những người nhiễm đều có biểu hiện bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Người lớn ít bị mắc bệnh tay chân miệng có thể do đã có kháng thể từ những lần bị nhiễm hoặc mắc bệnh trước đây. Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu nên việc mỗi người phải tự giác thực hiện các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi sinh hoạt là việc làm hết sức cần thiết. Thực hiện 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch.

AN NHIÊN