Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Lâm Đồng về cải cách thủ tục hành chính

03:04, 26/04/2012

Trong cải cách thủ tục hành chính đã làm được nhiều việc như giảm thủ tục, giảm phiền hà nhưng bộ máy hành chính không giảm, biên chế ngày càng phình ra? Xin cho biết có giải pháp gì mang tính đột phá để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, loại trừ tiêu cực, tinh giảm bộ máy đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân?

Ông Nguyễn Bá Thuyền - Đại biểu Quốc hội đơn vị Lâm Đồng chất vấn: Trong cải cách thủ tục hành chính đã làm được nhiều việc như giảm thủ tục, giảm phiền hà nhưng bộ máy hành chính không giảm, biên chế ngày càng phình ra? Xin cho biết có giải pháp gì mang tính đột phá để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, loại trừ tiêu cực, tinh giảm bộ máy đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân?

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet


 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời: Trên cơ sở kết quả tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010, về cơ bản, công tác cải cách hành chính ở nước ta thời gian qua đã thu được một số kết quả nhất định; đặc biệt trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ đã công bố được bộ thủ tục hành chính quốc gia và đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành rà soát để tiếp tục rút gọn, đơn giản hóa, giảm mạnh, bãi bỏ các loại thủ tục hành chính có tính chất quan hệ “xin cho”, tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng và tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, loại trừ tiêu cực, tinh giảm bộ máy đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

- Thứ nhất, cần nghiên cứu thể chế hóa chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

- Thứ hai, tiếp tục kiện toàn tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động để Chính phủ thực hiện đầy đủ vai trò của cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; tổ chức tinh gọn, hợp lý; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên chính phủ; cụ thể hóa, thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

- Thứ ba, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của từng bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm quản lý nhà nước bao quát trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời thực hiện quản lý chuyên sâu, thống nhất từ Trung ương tới cơ sở trong từng lĩnh vực; đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ mới, nhất là các lĩnh vực đang đặt ra bức xúc. Khắc phục sự trùng dẫm, sự phân công chưa đủ rõ; hoàn thiện cơ chế phối hợp trong mỗi Bộ và giữa các Bộ để giải quyết tốt hơn các vấn đề cần phối hợp quản lý liên ngành.

- Thứ tư, tổ chức hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm tính thông suốt, thông suốt từ Chính phủ đến UBND các cấp; hoàn thiện cơ chế phân cấp theo hướng vừa thực hiện phân cấp cho địa phương, vừa có cơ chế để bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương. Việc tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND phải bảo đảm tính thống nhất trong cả nước, đồng thời có tính đến đặc thù kinh tế, xã hội của mỗi địa phương, của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.

- Thứ năm, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức kết hợp với cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức thực hiện công vụ đạt chất lượng và hiệu quả cao.

- Thứ sáu, từng bước chuyển các dịch vụ công mà Nhà nước không cần nắm giữ để các tổ chức xã hội và doanh nghiệp thực hiện nhằm phát huy các nguồn lực xã hội, từng bước tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ công.