Nuôi thú rừng đang có chiều hướng phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, việc nuôi thú rừng kinh tế này chỉ mang tính tự phát là chính chứ chưa có một định hướng thị trường cần thiết từ phía cơ quan chức năng cho người chăn nuôi. Do vậy, việc chăn nuôi thú rừng hiện cũng đang tiềm ẩn không ít rủi ro.
Nuôi thú rừng đang có chiều hướng phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, việc nuôi thú rừng kinh tế này chỉ mang tính tự phát là chính chứ chưa có một định hướng thị trường cần thiết từ phía cơ quan chức năng cho người chăn nuôi. Do vậy, việc chăn nuôi thú rừng hiện cũng đang tiềm ẩn không ít rủi ro.
Thịt heo rừng (nuôi) vẫn là món ăn khoái khẩu của nhiều người |
Ở Lâm Đồng, Lâm Hà và Đức Trọng là hai địa phương có phong trào chăn nuôi thú rừng phát triển khá mạnh hiện nay. Ngoài một vài cơ sở nuôi “hàng độc” như trĩ, công, gà sao… thì các loại thú rừng được người chăn nuôi chọn nuôi phổ biến hiện nay là heo rừng, nhím, gà rừng…
Ưu điểm lớn nhất của chăn nuôi thú rừng là không cần diện tích đất rộng mà chỉ cần từ vài trăm mét vuông đến vài sào đất là có thể lập trang trại chuyên về nghề này. Một ưu thế khác: Tuy mức đầu tư ban đầu có cao nhưng đầu ra của sản phẩm thú rừng hầu như chưa dừng lại nên người chăn nuôi không sợ “dội hàng”. Các nhà chăn nuôi thú rừng hạch toán: Chỉ cần khoảng 5 cặp nhím giống, mỗi năm có thể thu lại cả trăm triệu đồng. Thử tính, một cặp nhím (một đực, một cái) dạng vừa (giá từ 15 - 20 triệu đồng, nhím sắp vào kỳ sinh sản khoảng 30 triệu đồng/cặp) mỗi năm cho hai lứa con, mỗi lứa hai con; nhím con đến ba tháng tuổi bán được trên dưới 15 triệu đồng, nếu nuôi đến gần kỳ sinh sản thì mỗi cặp lên đến 30 triệu đồng. Như vậy, trong chuồng nếu có chỉ 5 cặp thì mỗi năm thu lợi cũng khoảng 50 - 70 triệu đồng. Hiện tại, số hộ nuôi nhím ở Lâm Đồng có quy mô trên dưới 100 cặp là không ít. Với quy mô này, mỗi năm đàn nhím của một hộ mang lại thu nhập cho chủ trang trại hàng tỷ đồng. Còn với heo rừng, nếu chỉ cần 10 con heo đẻ thì mỗi năm cũng có ít nhất 150 con heo thịt (nếu để nuôi heo thịt), và với giá luôn gấp đôi so với thịt heo thông thường thì trên dưới 200.000 đồng/kg nhân với 5 kg/con sẽ cho lại con số không hề nhỏ.
Theo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, hiện hầu hết các cơ sở chăn nuôi thú rừng trên địa bàn tỉnh đều được cơ quan chức năng quản lý một cách khá chặt chẽ: Từ khâu đăng ký và cấp phép đến khâu tiêu thụ đều được giám sát chặt. Tuy nhiên, lãnh đạo của cơ quan này cũng thừa nhận rằng hiện tại vẫn chưa có sự tác động đáng kể của cơ quan hữu trách đến các hộ chăn nuôi thú rừng về mặt kỹ thuật. Bên cạnh đó, về khâu phòng chống dịch bệnh cũng chưa được chú trọng một cách đúng mức nên rất có thể đàn thú rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang “ủ bệnh” mà ngay chính người chăn nuôi cũng chưa thể lường hết được những rủi ro. Đặc biệt, việc chăn nuôi thú rừng của các hộ dân từ trước đến nay hầu như chỉ tự phát chứ chưa có những định hướng cần thiết của cơ quan chức năng về thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng nên các hộ chăn nuôi phải “tự bơi” là chính. Đó là chưa kể một số quy định về các thủ tục chăn nuôi và tiêu thụ thú rừng hiện cũng đang còn khá rườm rà.
Những ngày gần đây (cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2012), giá cả của nhím thịt và nhím giống có chiều hướng sụt giảm là một hiện tượng chưa từng xảy ra xưa nay. Đến nửa đầu tháng 4, giá một cặp nhím giống 3 tháng tuổi chỉ còn trên dưới 5 triệu đồng; giá 1kg thịt nhím cũng chỉ còn trên dưới 250.000 đồng - giảm nhiều lần so với trước (400.000 - 450.000 đồng/kg), là một dấu hiệu đáng báo động cho những người nuôi nhím. Trước thực tế này, Lâm Đồng cần có một quy hoạch bài bản về chăn nuôi thú rừng như một ngành kinh tế mang lại lợi nhuận cho người dân và đóng góp cho ngân sách địa phương!
Khắc Dũng