Cuộc vượt ngục “thần kỳ” tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

03:04, 18/04/2012

Dẫn chúng tôi đi qua những nơi mà 13 anh em tù vượt ngục đã từng nếm mật nằm gai, ông Chúng kể lại hành trình gian nan mà 13 anh em đã “thập tử nhất sinh” để tìm về với cách mạng.

Chiến tranh đã qua đi nhưng âm hưởng của cuộc chiến vẫn còn âm ỷ đâu đó trên đất nước hình chữ S nói chung và tại vùng đất Đà Lạt xinh đẹp nói riêng. Một trong những dấu ấn còn đọng lại tại Đà Lạt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ - Ngụy là Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt (hay còn gọi là Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt). Nơi đây đã từng xảy ra cuộc vượt ngục “thần kỳ” của 13 anh em tù thiếu nhi làm rung động chế độ Việt Nam cộng hòa. Gần 39 năm trôi qua nhưng cuộc vượt ngục “gay cấn” đó vẫn còn đọng lại trong tâm trí của những cựu tù, trong đó có cựu tù Đặng Ngọc Chúng. Dẫn chúng tôi đi qua những nơi mà 13 anh em tù vượt ngục đã từng nếm mật nằm gai, ông Chúng kể lại hành trình gian nan mà 13 anh em đã “thập tử nhất sinh” để tìm về với cách mạng.

Ông Chúng và bà Năm Tịch, ông Sáu Hội, ông Bảy Lầu, ông Nguyễn Văn Thùy - Những cơ sở cách mạng đã che chở cho tù vượt ngục
Ông Chúng và bà Năm Tịch, ông Sáu Hội, ông Bảy Lầu, ông Nguyễn Văn Thùy - Những cơ sở cách mạng đã che chở cho tù vượt ngục


Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - Một nhà tù mỵ dân của Mỹ - Ngụy

Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt thực chất là Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được thành lập vào đầu năm 1971, là nơi giam giữ các tù thiếu nhi được tập hợp từ tất cả các nhà tù miền Nam Việt Nam từ 17 tuổi trở xuống. Đây là nhà tù được tổ chức với quy mô lớn, thành lập theo một kế hoạch chặt chẽ, có trình độ tổ chức cao và đã từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi yêu nước với những hình thức tra tấn dã man có thể làm nhụt chí bất cứ ai.

Để đối phó với những sức ép mạnh mẽ của công luận trong nước và quốc tế đòi hỏi về một hình ảnh nhà tù miền Nam không có trẻ em theo đúng quy định của quốc tế, Mỹ - Ngụy đã cho xây dựng nhà lao thiếu nhi Đà Lạt để che mắt dư luận. Ngay từ trong bản chất, do mục đích bịp bợm, nó hướng đến một quy trình rất thâm độc. Trên danh nghĩa là Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi nhưng thực chất đây là nơi có khả năng thủ tiêu ý chí chiến đấu của một lực lượng thiếu nhi Việt Nam có tinh thần yêu nước đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Chúng muốn hướng những thiếu nhi này trở thành tay sai của chúng để chống lại phong trào cách mạng đang diễn ra mạnh mẽ tại miền Nam. Thế nhưng địch đã sai lầm bởi không gì có thể ngăn chặn được lòng yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam thời bấy giờ, vì vậy chúng đã thất bại một cách cay đắng.

Đầu năm 1971, Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt chính thức ra đời. Khác với các nhà tù miền Nam, đây không phải là trung tâm cải huấn mà là trung tâm giáo huấn. Sự điều chỉnh này không đơn thuần là chuyện câu chữ mà đúng hơn là một hình thức mỵ dân, bởi qua cách gọi này, quân địch muốn chứng minh trước dư luận về nhận thức, chính sách của chúng đối với tù nhân nhỏ tuổi. Chúng muốn dư luận biết đây chỉ là nơi tập trung để học tập, giáo huấn chứ không phải là nhà tù. Tất cả sự mỹ miều giả tạo đó đều không che đậy được bản chất thâm độc sâu xa của chúng khi điều quan trọng nhất chúng đã không che đậy được. Đó là tổ chức nhà tù này được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn chứ không phải là do Ty cảnh sát Tuyên Đức trực tiếp quản lý. Địa điểm được chọn xây nhà tù cũng là một sự mỵ dân. Không phải là Côn Đảo và Phú Quốc giá lạnh xa xôi giữa biển khơi, không phải là Sài Gòn chật chội oi bức, không phải là địa danh nào miền Trung bỏng rát. Nơi chúng chọn là Đà Lạt, Đà Lạt của khí hậu mát mẻ từng là điểm đến mong ước của bao người, của thiên nhiên tươi đẹp..  bởi vì đây mới là nơi lý tưởng để giáo huấn, giáo huấn chứ không phải tù.

Cuộc vượt ngục “thần kỳ” của 13 anh em tù thiếu nhi

Danh nghĩa là Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi nhưng thực chất là một nhà tù dã man. Hơn 600 tù nhân thiếu nhi yêu nước khắp các nhà lao miền Nam đã được tập hợp tại đây. Vẫn những hình thức tra tấn dã man, vẫn những chế độ hà khắc không khác gì các nhà lao khác, các anh em tù thiếu nhi đã trải qua những ngày tháng khốn khổ bằng những hình thức tra tấn, ăn uống và sinh hoạt không phải của con người. Những trận đòn roi dồn dập đổ xuống cũng không làm nhụt ý chí hướng về cách mạng của những thiếu nhi yêu nước. Với nhiều hình thức đấu tranh như chống chào cờ, mổ bụng, tuyệt thực… để phản đối quân thù, các anh đã làm cho chúng phải lúng túng. Đỉnh điểm trong ý chí sắt đá của tù thiếu nhi yêu nước tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là tiến hành vượt ngục để về với cách mạng tiếp tục chiến đấu với kẻ thù. Trong lịch sử tồn tại của Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã có nhiều cuộc vượt ngục, ban đầu chỉ là những cuộc vượt ngục đơn lẻ. Thế nhưng, đến cuộc vượt ngục ngày 7/5/1973 đã làm cho chính quyền Mỹ - Ngụy rúng động. Ông Đặng Ngọc Chúng, một trong những người vượt ngục ngày hôm đó đã thuật lại cuộc vượt ngục, đồng thời dẫn chúng tôi đi qua những hành trình mà cuộc vượt ngục đã diễn ra.

Cuộc vượt ngục này là có chỉ đạo từ tổ chức cách mạng ở bên ngoài. Khi nhận được được thư của tổ chức cách mạng, các anh em tù thiếu nhi đã chọn ra 13 người để vượt ngục gồm: Trần Bình (trưởng nhóm), Hồ Văn Đại, Nguyễn Văn Cầu, Trần Trọng Thủy, Ngô Bê, Trần Công Khanh, Trương Công Nhân, Nguyễn Chay, Đặng Ngọc Chúng, Nguyễn Văn Chín, Huỳnh Đức Hòa (nay là Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng), Huỳnh Ngọc Hai, Ngô Ngọc Công. Kế hoạch vượt ngục được tổ chức chỉ định vào tối ngày 6/5/1973 nhưng vì thời gian ít ỏi và tình hình trong tù nghiêm ngặt nên mặc dù anh em đã chuẩn bị nhưng vẫn phải nán lại. Đến đêm 7/5/1973, anh em đã quyết tâm bằng mọi giá phải vượt ngục để ra ngoài. Việc vượt ngục rất khó khăn vì trên trần nhà giam có đến 3 lớp là la phông, dây thép gai có gắn điện cao thế và lớp ngói bên ngoài. Đến nửa đêm, anh em đã đục la phông. Để đối phó với nguồn điện cao thế, các anh em phải xé áo quần quấn vào tay để cách điện. 13 anh em cứ thế lên lần lượt từng người một. Sau đó lấy quần áo đã xé kết thành những sợi dây thả xuống để đu từng người. Phía trước có bốt gác. Vì vậy các anh em phải chọn thời gian khi chúng giao ca mới từng người xuống rồi nấp vào những đám cỏ rậm rạp để không bị phát hiện và chờ đồng đội, người xuống được đất thì ném dây lên cho người khác tiếp tục. Đến người thứ 13 còn phải làm một việc nữa là lấy một cục gạch buộc vào dây rồi ném lên trên trần nhà bởi nếu bọn địch đi tuần tra mà thấy dây sẽ bị lộ.

Ông Chúng kể tiếp: Mọi việc xong xuôi thì trời đã muộn. Theo phối hợp với tổ chức cách mạng, khi các anh ra đến hang rào cuối cùng bên ngoài sẽ có người của Đại đội đặc công 850 đón. Thế nhưng đêm hôm trước đã lỡ không vượt ngục được mà hôm nay trời đã muộn nên các anh em không bắt được liên lạc với tổ chức cách mạng. 13 người lại băng qua đồi thông hai mộ bằng đường mòn. Đến cổng Thái Phiên (Nay là cổng phụ của Học việc Lục quân ở cuối đường Hồ Xuân Hương) gặp đồn lính của Trường Võ bị Đà Lạt, bọn chúng dùng súng AR15 bắn, thế là 13 người phải quay lại hồ Than Thở đi dọc theo đường sắt nhưng đã bị lạc hai người. Trong thư gửi vào trong tù, tổ chức bên ngoài có ghi dọc theo đường sắt sẽ gặp hai điểm có nhánh thông ở giữa đường sắt. Khi gặp nhánh thông thứ nhất các anh làm theo ghi chú trong thư, gặp một nhà bên cạnh gõ ba cái sẽ có người ra đón, nhưng khi làm như vậy vẫn không thấy ai trong nhà ra. Mọi người tiếp tục đi về hướng Trại Mát theo đường sắt thì gặp nhánh thông thứ hai ở ấp Sào Nam (nay là khu Nam Hồ) vẫn không thấy ai ra đón. Trời đã bắt đầu sáng, 11 người còn lại phải xuống suối nằm để tránh bị bắt lại. Lúc đó mỗi người chỉ có một cái quần đùi, trời Đà Lạt lạnh cắt da cắt thịt nhưng mọi người đều phải nằm xuống suối trong bụi rậm. Việc vượt ngục đã bị quân địch phát hiện nên chúng cho lính đi lùng sục mọi nơi. Đi qua nơi mọi người đang trú ẩn mà chúng không phát hiện được.

Đến tối, vừa lạnh vừa đói nên các anh em phải lên nhổ rau của người dân để ăn, sau đó dìm gốc xuống nước để tránh bị lộ. Mọi người tiếp tục đi về hướng Trại Mát nhưng thấy có điện sợ bị phát hiện nên lại quay lại ấp Sào Nam. Cơ may đã đến với các anh em khi vào đúng nhà bà Phan Thị Tịch (Năm Tịch) là cơ sở cách mạng của ta. Bà Năm Tịch đã lấy áo quần và nấu ăn cho anh em ăn và thông báo cho các cơ sở của ta là số tù vượt ngục đã đến. Các cơ sở này đêm hôm trước đã không đón được mọi người theo kế hoạch. Lúc ấy các anh em rất vui nhưng vẫn không tin. Khi bà Năm Tịch cho người đi thông báo cho các cơ sở thì anh em tù bí mật cử người đi theo. Sau đó khi thấy các chi bộ tập hợp họp bàn về tiếp nhận tù vượt ngục thì các anh em đã tin. Ngày 9/5, 11 người tiếp tục ra suối nằm để tránh bị phát hiện. Đến tối ngày 10/5, các anh em được tản ra ở các cơ sở của ta ở nhà bà Năm Tịch, nhà ông Sáu Hội (Ngô Bá Hội) và nhà ông Bảy Lầu (Ngô Bá Lầu). Sau đó 11 anh em được đơn vị bộ đội đặc công 850 đón đi ra rừng. Khi ra đến căn cứ cách mạng, 11 anh em tù thiếu nhi tiếp tục cầm súng trực tiếp chiến đấu với quân thù trong hàng ngũ của Đại đội đặc công 850.

Ông Chúng cho biết thêm, hai người bị lạc trong cuộc vượt ngục này là Ngô Bê và Trần Công Khanh đã bị bắt và bị giam giữ đến ngày giải phóng thì được thả ra. Cũng trong những ngày cầm súng trực tiếp chiến đấu với kẻ thù, ba người trong số 13 người vượt ngục đã hy sinh là Trần Bình, Hồ Văn Đại và Nguyễn Văn Cầu. Nhìn lại hành trình các anh đã vượt ngục, chúng tôi thật khâm phục. Các anh chính là hiện thân của tuổi trẻ yêu nước, một lòng vì Đảng, vì cách mạng. Lịch sử sẽ không bao giờ quên những gì mà các anh đã trải qua. Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt tuy chỉ tồn tại hơn hai năm nhưng nó đã để lại biết bao dư âm đau thương. Thế nhưng, vượt lên những đau thương đó là một thế hệ anh hùng trẻ tuổi yêu nước không bao giờ nhân nhượng trước kẻ thù.

LÊ KHẮC NIÊN