Bệnh hen và những thử thách của Y học hiện đại

03:04, 29/04/2012

Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh hen không ngừng gia tăng trên toàn thế giới do liên quan đến tình trạng môi trường sống bị thay đổi hay bị ô nhiễm do quá trình đô thị hóa.

Bệnh hen (hay còn gọi là bệnh suyễn) là một bệnh lý mãn tính của đường dẫn khí. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm kéo dài của niêm mạc kết hợp với sự co thắt của cơ trơn đường dẫn khí (phế quản) gây ra những cơn khó thở kịch phát hay còn gọi là cơn hen. Cơn hen thường xảy ra sau khi tiếp xúc với nhiều tác nhân gây dị ứng hô hấp khác nhau như: lông chó, lông mèo, phấn hoa, nấm mốc, khói, bụi nhà...

Hít thuốc qua buồng hít ở trẻ nhỏ - một thiết bị theo dõi điều trị bệnh hen
Hít thuốc qua buồng hít ở trẻ nhỏ - một thiết bị theo dõi điều trị bệnh hen


Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh hen không ngừng gia tăng trên toàn thế giới do liên quan đến tình trạng môi trường sống bị thay đổi hay bị ô nhiễm do quá trình đô thị hóa. Theo Hiệp hội Hen Toàn cầu (GINA), hiện nay trên toàn thế giới có hơn 300 triệu người thuộc mọi lứa tuổi và chủng tộc mắc bệnh hen, tương ứng với 5-6% dân số thế giới. Theo dự đoán, đến năm 2025, số người mắc bệnh hen toàn cầu có thể lên đến 400 triệu người. Hàng năm có khoảng 250 ngàn người tử vong do bệnh hen, chiếm đa số ở các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển vì ở các quốc gia này việc điều trị và quản lý hen chưa được thực hiện tốt.

Tại Đà Lạt, với những điều kiện khí hậu và môi trường tương đối khác biệt với các nơi khác: độ ẩm cao, môi trường ít bị ô nhiễm, bệnh hen cũng có những đặc thù riêng. Theo kết quả nghiên cứu của Trường CĐYT Lâm Đồng được đăng trên Tạp chí Y học Singapore vào năm 2008, tỷ lệ người bị bệnh hen tại Đà Lạt tương đối thấp, chỉ khoảng 2,4%; cơn hen ở bệnh nhân Đà Lạt thường xảy ra khi thay đổi thời tiết và khi trời lạnh. Theo nghiên cứu này, nhận thức của người bệnh về bệnh hen vẫn còn rất yếu, người bệnh vẫn còn có những quan niệm sai lầm về việc phòng ngừa và điều trị. Phần lớn bệnh nhân chưa được các nhân viên y tế tư vấn đầy đủ về cách phòng tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen, cũng như việc điều trị dự phòng cơn hen bằng các thuốc hít theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây là các thuốc có tác dụng phụ không đáng kể ngay cả khi dùng liều cao và dài ngày. Một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân hen tại Đà Lạt vẫn còn uống mỗi ngày hoặc chích các thuốc chống viêm dạng corticoid có tác dụng phụ độc hại gây loãng xương, tiểu đường, loét dạ dày, tăng huyết áp, béo phì và rối loạn tâm thần … Hơn 25% trường hợp bệnh nhân hen thường xuyên nhập viện vì cơn hen nặng do điều trị không đúng cách hoặc do tai biến điều trị. Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu này, một tỷ lệ không nhỏ các trường hợp mắc bệnh hen nhưng chưa được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Tóm lại, dù rằng bệnh hen ngày càng trở nên phổ biến nhưng việc theo dõi và quản lý điều trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, bệnh hen vẫn đang là vấn đề y tế quan trọng tại các nước nói chung và tại Việt Nam nói riêng, ảnh hưởng nặng nề của bệnh lên sức khỏe cộng đồng, công việc, học tập, chất lượng cuộc sống và chi phí dành cho chăm sóc y tế. Do đó, việc theo dõi và điều trị bệnh hen đúng cách có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội cũng như về kinh tế.

TS-BS Dương Quý Sỹ
(Phó HT Trường CĐYT Lâm Đồng, Tổng Biên tập Tạp chí Hô hấp Pháp - Việt)