Chính quyền và cơ quan chức năng của TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần khảo sát hiện trường, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục. Đến nay (đầu tháng 4/2012), khi hiểu ra vấn đề, các hộ dân đã bắt đầu trở lại yên tâm.
Thời gian gần đây, dư luận rộ lên chuyện sụt đất, nứt tường nhà nhiều hộ dân trên đường Phan Bội Châu và Nguyễn Thị Minh Khai (Đà Lạt) do việc thi công công trình khu C chợ Đà Lạt gây ra. Chính quyền và cơ quan chức năng của TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần khảo sát hiện trường, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục. Đến nay (đầu tháng 4/2012), khi hiểu ra vấn đề, các hộ dân đã bắt đầu trở lại yên tâm.
Cọc dựng thành tường chắn cùng với dây neo xuyên trong lòng đất có phụt bê tông gia cố độ kết cấu đất là kỹ thuật hiện đại của Tập đoàn Samwoo (Hàn Quốc) trong chống sụt lở ở các công trình xây dựng. |
DÂN HOANG MANG
Công trình Đà Lạt center - khu C chợ Đà Lạt - được xem là một trong những “điểm nhấn” quan trọng của TP Đà Lạt trong tương lai. Theo kế hoạch, công trình xây dựng có quy mô mặt bằng tầng trệt 5.000m2 với 4 tầng hầm và 10 tầng cao, tổng vốn đầu tư lên đến 900 tỷ đồng nằm ngay trung tâm TP Đà Lạt này được khởi công vào tháng 1.2011 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay - 2012 - để đầu năm tới (2013) được chính thức đưa vào hoạt động.
Sau 10 tháng công trình được triển khai thi công, đến tháng 11.2011, hiện tượng nghiêng lún, nứt tường nhà dân bên cạnh công trình đã xảy ra khiến cho không ít hộ dân tỏ ra khá lo lắng. Một trong những ngôi nhà bị nghiêng lún và nứt tường nghiêm trọng là ngôi nhà cấp 4 số 45 đường Phan Bội Châu của bà Vương Thị Lan (bà Lan cho ông Nguyễn Hữu Quyền thuê để kinh doanh hàng ăn). Cùng với căn nhà 45 Phan Bội Châu, hàng chục ngôi nhà khác cũng trên trục đường này và cả trên đường Nguyễn Thị Minh Khai cũng bị nghiêng lún, nứt tường. Trong gần nửa năm qua, cơ quan chức năng TP Đà Lạt đã nhiều lần nhận đơn của các hộ dân có nội dung do thi công công trình Đà Lạt center gây thiệt hại cho người dân sống lân cận công trình. Và, ít nhất một lần Công ty Len Nguyễn - chủ đầu tư Đà Lạt center - phải hầu tòa theo đơn kiện của người dân. Bà Dương Thị Hoài Thu - Tổng GĐ Công ty Len Nguyễn - cho biết: “Mặc dầu mọi sự cố đã được chúng tôi tính toán dưới góc độ chuyên môn trước khi khởi công xây dựng công trình nhưng khi sự cố xảy ra, chúng tôi cũng phải nghiêm túc cùng với các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng và đại diện các hộ dân bị thiệt hại ngồi lại để tìm hướng giải quyết sao cho quyền lợi chính đáng của người dân được đảm bảo ở mức cao nhất”.
SỰ CỐ KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI
Việc xây dựng tiếp khu C trong khuôn viên chợ Đà Lạt với quy mô hiện đại là chủ trương chung của tỉnh. Theo giới chuyên môn, với một công trình xây dựng có quy mô khá lớn như công trình Đà Lạt center thì sự cố xảy ra trong quá trình thi công là điều không thể tránh khỏi. Cho đến lúc này, sự cố của Đà Lạt center chỉ mới nghiêng sụt, nứt tường các nhà dân bên cạnh suy cho cùng cũng mới chỉ là sự cố… nhỏ! Hơn nữa, việc nghiêm túc tìm nguyên nhân để khắc phục kịp thời của chủ đầu tư ngay sau khi sự cố xảy ra cũng là một vấn đề đáng nói. Ông Nguyễn Đăng Chính - Trưởng ban Quản lý dự án Đà Lạt center - cho biết: “Ngay sau khi sự cố nứt tường nhà dân xảy ra, chủ đầu tư và các đơn vị hữu trách cùng chính quyền địa phương đã “ngồi lại” để bàn thảo và tìm giải pháp khắc phục. Ngay sau đó, hai đơn vị chuyên ngành của nước ngoài đã được mời tham gia khắc phục sự cố là Tập đoàn Bauer của Đức và Tập đoàn Samwoo của Hàn Quốc sang để khảo sát. Cuối cùng, Len Nguyễn đã chọn Samwoo”.
Tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn trên lĩnh vực xây dựng, chúng tôi được biết: Công trình khu C chợ Đà Lạt được xây dựng ngay dưới chân đồi Dinh Tỉnh trưởng, nằm phía sau dãy nhà trên đường Phan Bội Châu. Kết quả khảo sát của Tập đoàn Samwoo (Hàn Quốc) cho thấy bên trong quả đồi có những khoảng trống. Khi khoan cọc bằng thiết bị hạng nặng để xây dựng Đà Lạt center thì cả quả đồi phía sau khu dân cư trên đường Phan Bội Châu bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Và, hệ quả kéo theo của sự ảnh hưởng này là các công trình xây dựng (nhà dân) dọc theo đường Phan Bội Châu xảy ra hiện tượng nghiêng lún, nứt tường là điều không thể tránh khỏi.
Tất nhiên, không phải chỉ vì sự cố đó mà dừng lại công trình “điểm nhấn” của Đà Lạt mà vấn đề quan trọng là khắc phục như thế nào để giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại gây ra cho người dân. Theo ông Nguyễn Đăng Chính - Trưởng ban Quản lý dự án và một số cán bộ chuyên môn của Sở Xây dựng Lâm Đồng thì hiện nay, kỹ thuật chống sụt lún ở các công trình xây dựng lớn của Tập đoàn Samwoo Hàn Quốc là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất thế giới. “Thông thường, với hiện tượng sụt lún như vậy, các nhà thi công thường hay dùng các cọc đỡ để chống đỡ. Nhưng kỹ thuật Samwoo thì khác: Dùng cọc tường vây dựng cọc thành tường chắn cùng với cắm dây neo xuyên trong lòng đất và phụt bê tông (mỗi cọc phụt trung bình 1 tấn xi măng) để tăng độ cố kết của đất. Cho đến lúc này, công việc đã cơ bản hoàn thành.
Theo một nguồn tin khác, chỉ tính riêng việc khắc phục sự cố này, chủ đầu tư cũng đã phải chi ra 97 tỷ đồng. Song, vấn đề lớn hơn là “an dân”! Một người dân sống trên đường Phan Bội Châu có nhà bị nứt bộc bạch: “Do chủ dự án lúc đầu chưa giải thích cặn kẽ nên chúng tôi mới “rối” đến vậy; giờ thì hiểu ra phần nào đó, chúng tôi đã bắt đầu trở lại yên tâm!”. Theo ông Chính, ngoài việc di dời và bồi thường cho một số hộ dân thì sau khi công trình được hoàn tất, chủ dự án sẽ tính toán toàn bộ những thiệt hại để đền bù một cách thỏa đáng cho người dân. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là một lời hứa nghiêm túc và sẽ được thực hiện vào đầu năm 2013 tới - khi công trình “điểm nhấn” của Đà Lạt, công trình Đà Lạt center, chính thức được hoàn thành và đưa vào hoạt động.
KHẮC DŨNG