Thành phố Bảo Lộc: Vẫn gia tăng “nợ” tiền bảo hiểm

03:04, 26/04/2012

Một thực tế khá phổ biến ở các địa phương, “nợ” cũ các khoản tiền đóng bảo hiểm (BH) cho người lao động tại các doanh nghiệp (DN), gồm bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa “trả” (thanh toán) xong, thì khoản nợ mới lại phát sinh theo thời gian, đã khiến món nợ này cứ tăng dần. Riêng tại thành phố Bảo Lộc là một thực tế cụ thể.

Một thực tế khá phổ biến ở các địa phương, “nợ” cũ các khoản tiền đóng bảo hiểm (BH) cho người lao động tại các doanh nghiệp (DN), gồm bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa “trả” (thanh toán) xong, thì khoản nợ mới lại phát sinh theo thời gian, đã khiến món nợ này cứ tăng dần. Riêng tại thành phố Bảo Lộc là một thực tế cụ thể.

Công nhân ở một DN may
Công nhân ở một DN may


Thành phố Bảo Lộc là một địa phương có nhiều DN (công ty, xí nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất…) nên số lao động làm việc trong các DN này khá đông. Phần lớn các DN đã chấp hành tốt pháp luật lao động và BHXH, đã thực hiện đầy đủ việc nộp các khoản tiền BH (BHXH, BHYT, BHTN) cho người lao động theo quy định. Tuy thế, trên địa bàn thành phố có không ít DN dây dưa, nợ tiền BH, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động “làm công, ăn lương”. Theo ông Phạm Phú Phẩm - Giám đốc BHXH thành phố Bảo Lộc cho biết: “Số nợ tiền BH tính đến thời điểm 31/3/2012 là 9,43 tỷ đồng. Trong đó, BHXH còn nợ 6,86 tỷ đồng, BHYT còn nợ 2,1 tỷ đồng và  BHTN còn nợ 465 triệu đồng”. Đây là con số khá cao, với tỷ lệ nợ chiếm tới 6,4% - trên mức bình thường. Và, cũng theo ông Phẩm: “Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN gây nên hệ lụy, quyền hưởng lợi BH của người lao động bị chậm trễ; thậm chí mất quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp DN bị phá sản, thì người lao động không được cơ quan BHXH giải quyết hưởng BHXH đối với thời gian còn nợ. Do đó, nó đã tác động rất lớn đến tư tưởng, tâm lý của người lao động và rất dễ xảy ra nguy cơ gây mất trật tự và đình công tự phát để đòi quyền lợi chính đáng của mình”.  

Trước thực tế số dư nợ BH trên mức bình thường của các DN nợ BH dây dưa, cơ quan BHXH thành phố Bảo Lộc đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động và các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động và thanh kiểm tra để nhắc nhở, đôn đốc thu nộp… Qua công tác thanh kiểm tra, trong năm 2011, UBND thành phố Bảo Lộc đã ban hành 6 quyết định xử lý vi phạm về pháp luật lao động và BHXH. Riêng cơ quan BHXH thành phố đã phân công cán bộ chuyên quản thu thường xuyên đôn đốc trực tiếp chủ sử dụng lao động; có công văn đôn đốc ngoài thông báo nợ thường kỳ; yêu cầu DN làm cam kết trả nợ BH; không giải quyết chế độ BHXH trong thời gian nợ... Song, những DN đó vẫn không tiếp tục nộp BH cho người lao động. Do vậy, biện pháp cuối cùng rất “bất đắc dĩ”, là cơ quan BHXH phải… khởi kiện ra Tòa án.

Chủ trì cuộc họp liên ngành BHXH, Lao động - Thương binh - Xã hội và Liên đoàn Lao động thành phố mới đây, ông Nguyễn Trọng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho 3 ngành, là phải tiếp tục công tác tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng các quy định về sử dụng lao động, thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động; tiến hành kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lao động để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; có các giải pháp tăng nhanh số người tham gia BHXH, BHYT và áp dụng đồng bộ các biện pháp để thu hồi nợ BHXH, BHYT.

Theo cơ quan BHXH thành phố Bảo Lộc, đơn vị đã lập hồ sơ khởi kiện 5 DN nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian dài, gây thiệt hại tới quyền lợi của người lao động, là: Bá Thiên, Nam Phương, Vikotex, Đông Lâm và Á Châu. Sau khi khởi kiện, những DN này mới “nhúc nhích” nộp tiền BH cho người lao động. Tính đến 31/3/2012, các DN: Vikotex nộp được 400 triệu đồng; Đông Lâm nộp 204 triệu đồng; Á Châu nộp 382 triệu đồng; Nam Phương nộp được 849 triệu đồng (trong tổng số nợ hơn 1 tỷ đồng). Riêng Công ty TNHH Bá Thiên chỉ nộp 50 triệu đồng để “chiếu lệ”. Trong khi đó, số nợ mới tiếp tục phát sinh, nên số nợ BH của các DN tiếp tục tăng. Cũng tính đến tháng 3/2012, các DN: Nam Phương nợ gần 850 triệu đồng (tương đương 19 tháng); Vikotex nợ 645 triệu đồng (tương đương 14 tháng); Bá Thiên nợ 835 triệu đồng (tương đương 37 tháng); Á Châu nợ 119 triệu đồng (tương đương 2 tháng); Đông Lâm nợ 76 triệu đồng (tương đương 3 tháng)…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những con số trên đây là chỉ căn cứ vào danh sách những người lao động được tham gia đóng các loại BH. Còn số người lao động không được chủ các DN đăng ký sử dụng lao động và đương nhiên họ đã… “trốn” không đóng các loại BH theo quy định của luật, thì chưa xác định được con số là bao nhiêu, nhưng chúng tôi tin chắc là cũng không nhỏ.

Do nợ BHXH, BHYT, BHTN và vi phạm các điều, khoản của pháp luật lao động và BHXH, nên đã phát sinh không ít những vụ việc tranh chấp và đơn thư khiếu kiện của người lao động với người sử dụng lao động. Anh Trần Vũ Ngôn (ở nhà số 60, đường Châu Văn Liêm, phường Lộc Tiến) cho biết: “Tôi làm việc cho Công ty TNHH Bá Thiên từ ngày 3/9/2010 và đã được 17 tháng, nhưng Công ty vẫn không cho ký hợp đồng lao động và không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho tôi. Vì quá bức xúc, tôi đã xin nghỉ việc nhưng không được giải quyết, vì Công ty yêu cầu tôi phải bồi thường 50% tổng số lương 3 tháng mà Công ty chưa thanh toán hoặc yêu cầu tôi phải làm việc đủ 60 ngày để chờ Công ty giải quyết và buộc tôi phải bồi thường cứ 1 ngày nghỉ bằng 1 ngày lương?”. Xuất phát từ đó, không riêng gì anh Trần Vũ Ngôn mà nhiều người lao động khác lâm vào hoàn cảnh tương tự tại các DN, như Công ty TNHH Dream Vina, Nhà máy Cơ khí Đại Bình, Cty Kimono Japan… đã làm đơn khiếu kiện đến các cấp, các ngành.

XUÂN LONG