Cử tri băn khoăn về chất lượng giáo dục hiện nay, điểm thi các môn xã hội thấp, rất nhiều điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua.
Cử tri băn khoăn về chất lượng giáo dục hiện nay, điểm thi các môn xã hội thấp, rất nhiều điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua. Cử tri đề nghị ngành giáo dục tiếp tục nghiên cứu cải tiến nội dung chương trình giáo dục phù hợp, đặc biệt quan tâm đến nội dung các môn học kiến thức cơ bản như lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên… nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhà nước cần tăng cường đầu tư để xây dựng các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị giáo dục truyền thống đạo đức, lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Cử tri kiến nghị: Công tác giáo dục các môn khoa học xã hội chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; đề nghị đổi mới sách giáo khoa và cách thức giảng dạy môn lịch sử, đồng thời đề nghị chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi ở các bậc học, nhất là bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: Để nâng cao chất lượng các môn khoa học xã hội trong dạy học ở trường phổ thông, trong thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ đồng thời thực hiện các giải pháp sau: Trước hết, cần phải tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với các môn khoa học xã hội, nhất là bộ môn lịch sử, môn giáo dục công dân là những môn học có ưu thế trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lịch sử truyền thống của dân tộc, định hướng thái độ hành vi của học sinh.
Tổ chức tuyên truyền, tạo sự nhận thức đúng và đồng thuận của xã hội, các cấp quản lý, các bậc phụ huynh và học sinh về vai trò, vị trí của các môn học đó, tích cực đổi mới phương pháp dạy học bộ môn theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, làm cho học sinh thích học và yêu môn học hơn; tránh việc học lệch, học chạy theo thi cử.
Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn khoa học xã hội theo hướng tinh giảm. Đổi mới kiểm tra đánh giá các môn khoa học xã hội nhằm đánh giá đúng thực chất, chất lượng dạy học bộ môn. Đổi mới việc ra đề thi phù hợp với nhận thức học sinh, khoa học, đúng sát chương trình phổ thông, cấu trúc đề hợp lý, cân đối giữa kiến thức và kỹ năng và định hướng thái độ hành vi của học sinh, đồng thời bảo đảm được sự phân hóa học sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên môn, thúc đẩy công tác dạy học và kiểm tra đánh giá bộ môn đạt hiệu quả.
Tích cực mở các chuyên đề bồi dưỡng đội ngũ giáo viên bộ môn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tổ chức thi giáo viên giỏi và học sinh giỏi môn giáo dục công dân, thông qua đó tạo sự nhận thức về kiến thức cũng như hành vi ứng xử đúng đắn của học sinh, góp phần giảm dần tiến tới chấm dứt tình trạng “bạo lực học đường”, “học lệch” trong học sinh.
Tích cực thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật lồng ghép trong môn giáo dục công dân, giúp học sinh hiểu và thực hiện pháp luật phù hợp với nhận thức và lứa tuổi.