Đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự để các cơ quan pháp luật có cơ sở xử lý tội phạm về môi trường.
Đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ Luật hình sự để các cơ quan pháp luật có cơ sở xử lý tội phạm về môi trường.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn nạn. Ảnh minh họa Internet |
* Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trả lời: Ủy ban Tư pháp nhận thấy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm về môi trường, Bộ Luật hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã có nhiều quy định mới và những hình phạt nghiêm khắc tùy theo tính chất, mức độ phạm tội. Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri, tội phạm về môi trường xảy ra nhiều nhưng ít xử lý hình sự, chủ yếu xử lý hành chính. Vấn đề này có nguyên nhân do trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng cũng do nguyên nhân do Bộ Luật hình sự còn bất cập như: Cấu thành của phần lớn các tội phạm về môi trường đòi hỏi phải có tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng” là yếu tố bắt buộc, trong khi thế nào là “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” lại thiếu hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc xử lý hình sự các hành vi xâm phạm môi trường trên thực tế gặp khó khăn…
Thông qua giám sát, Ủy ban Tư pháp sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tích cực, chủ động, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm môi trường theo quy định của pháp luật; khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật về môi trường, nhất là các văn bản hướng dẫn việc điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về môi trường. Đồng thời trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý Dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi) thời gian tới, Ủy ban Tư pháp sẽ lưu ý đến ý kiến của cử tri để sửa đổi các quy định của Bộ Luật hình sự, theo hướng tạo cơ sở để xử lý nghiêm và có hiệu quả đối với các tội phạm về môi trường.
Kiến nghị về tăng mức hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trả lời: Về ý kiến cử tri đề nghị sửa đổi Điều 257 Bộ Luật hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các đối tượng chống người thi hành công vụ, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, Bộ Luật hình sự 1999 đã có nhiều quy định để xử lý đối với các hành vi chống người thi hành công vụ: Điều 257 về Tội chống người thi hành công vụ có mức hình phạt cao nhất đến 7 năm tù; Điều 104 về Tội cố ý gây thương tích và Điều 207 về Tội đua xe trái phép đều coi hành vi chống người thi hành công vụ là tình tiết tăng nặng hình phạt. Trong trường hợp phạm tội chống người thi hành công vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như gây thương tích cho người thi hành công vụ trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng còn bị xử lý về tội gây thương tích ở khoản 4 Điều 104 với hình phạt 20 năm tù hoặc tù chung thân; nếu giết người thi hành công vụ thì người phạm tội còn bị xử lý về tội giết người với hình phạt cao nhất là tử hình (khoản 1 Điều 93).
Tuy nhiên, gần đây tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra nhiều, có những vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, gây bất bình trong dư luận. Trước thực trạng này, trong Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp về công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2011, Ủy ban Tư pháp đã có kiến nghị cụ thể với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, đưa ra truy tố, xét xử nghiêm khắc các vụ án chống người thi hành công vụ và đề xuất các giải pháp phòng ngừa. Thực tế vừa qua đã có một số đối tượng bị Tòa án kết án tử hình về hành vi giết người thi hành công vụ để răn đe phòng ngừa chung.
Trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý Dự án Bộ Luật hình sự (sửa đổi) thời gian tới, Ủy ban Tư pháp sẽ có những kiến nghị cụ thể để xử lý hình sự thật nghiêm khắc các hành vi chống người thi hành công vụ.
Về kiến nghị của cử tri đề nghị trang bị các công cụ, phương tiện hỗ trợ cần thiết để đảm bảo an toàn cho những người thi hành công vụ, Ủy ban Tư pháp thấy rằng: Thực tiễn hiện nay các công cụ hỗ trợ trang bị cho người thi hành công vụ còn thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trước thực trạng đó, ngày 30/6/2011 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012), trong đó có những quy định cụ thể việc trang bị các công cụ, phương tiện hỗ trợ cần thiết để đảm bảo an toàn cho những người thi hành công vụ.