Học sinh cận thị đến lúc báo động đỏ

02:04, 15/04/2012

Trẻ em càng học nhiều càng dễ mắc cận thị và càng tăng nhanh số kính. Từ 3 kết quả nghiên cứu khoa học về vấn đề này cho thấy một thực trạng về sức khỏe của những “cửa sổ tâm hồn” đáng báo động nếu như không kịp thời xây dựng chương trình phòng chống tật khúc xạ cho tuổi học đường.

Trẻ em càng học nhiều càng dễ mắc cận thị và càng tăng nhanh số kính. Từ 3 kết quả nghiên cứu khoa học về vấn đề này cho thấy một thực trạng về sức khỏe của những “cửa sổ tâm hồn” đáng báo động nếu như không kịp thời xây dựng chương trình phòng chống tật khúc xạ cho tuổi học đường.

Đề tài nghiên cứu của nhóm bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền, Trịnh Đăng Tuấn và cộng sự thuộc Trung tâm Y tế Đà Lạt về “Thực trạng vệ sinh trường học và một số yếu tố ảnh hưởng đến tật khúc xạ của học sinh tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm –Đà Lạt” đã kết luận: Tỉ lệ tật khúc xạ chung của học sinh tăng dần theo khối lớp. Khối lớp 1: 16%, khối lớp 3: 19,5%; khối lớp 4: 28,3% và khối lớp 5: 38%. Tỉ lệ tật khúc xạ chung của học sinh tiểu học (từ 6-11 tuổi) là 20,4%. Nghiên cứu cho rằng tỉ lệ học sinh mắc tật khúc xạ tăng dần theo từng khối lớp có thể liên quan đến một số yếu tố vệ sinh trường học chưa đảm bảo như: cường độ chiếu sáng, kích thước bàn ghế, cường độ học tập…

Theo kết quả phỏng vấn sâu những học sinh bị mắc tật khúc xạ, đa số học sinh cho rằng thời gian học tập quá nhiều do phải hoàn thành khối lượng bài học và do áp lực từ phía phụ huynh lo lắng về thành tích học tập của con em mình nên bắt học sinh học thêm tất cả mọi thời gian và điều kiện có thể. Tất cả dồn lên đôi mắt của tuổi học đường không thể nào điều tiết tốt nên làm gia tăng tật khúc xạ.

Một nghiên cứu khác “Khảo sát tình hình thị lực và tật khúc xạ của học sinh ở Bảo Lộc” của nhóm bác sĩ Lê Văn Đức, Nguyễn Thu Anh và cộng sự ở Bệnh viện II Lâm Đồng trên 2.952 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 được khám - cho thấy: Học sinh nữ bị tật khúc xạ cao hơn nam (nữ 55%, nam 45%). Tỉ lệ mắc tật khúc xạ chung là 11,2%, trong đó trên 70% là cận thị. Tỉ lệ cận nhẹ và trung bình (dưới 3D –điốp) chiếm 74%, tỉ lệ cận loạn là 11%, tỉ lệ cận nặng trên 6D là 6%, tỉ lệ viễn và viễn loạn trên 9%. Bệnh lý đi kèm với tật khúc xạ đa số là bệnh lý của võng mạc và lé. Tất cả các trường hợp lé mắt đều nằm trong nhóm viễn thị, do đó khi chỉnh kính thì lé giảm. Nhưng nguy cơ này không được chú ý vì phần lớn người ta quan tâm phổ biến đến cận thị mà ít chú ý đến viễn thị. Trẻ em lực điều tiết thị lực mạnh hơn người trưởng thành nên bị viễn thị lâu ngày dễ bị bỏ sót không được chỉnh kính dẫn đến tình trạng thị lực giảm không hồi phục được. Tật khúc xạ không được điều chỉnh đúng và kịp thời dẫn đến hậu quả gây nhược thị nhất là cận nặng hoặc viễn thị. Điều này cảnh báo cho phụ huynh học sinh, nhà trường, các ngành Giáo dục và Y tế cần quan tâm tìm hiểu nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ để xây dựng chương trình phòng chống tật khúc xạ cho tuổi học đường.

Đặc biệt trong khảo sát của nhóm nghiên cứu ở Bảo Lộc xác định tỉ lệ học sinh lớp 1 mắc tật khúc xạ chiếm 12,3%. Vấn đề này cần có nghiên cứu tìm hiểu kỹ hơn các yếu tố ảnh hưởng khác. Một vấn đề cần quan tâm là ý thức của các em bị tật khúc xạ và phụ huynh phải hiểu được tầm quan trọng của việc phải đeo kính đúng độ. Qua khảo sát, tỉ lệ học sinh bị tật khúc xạ đeo kính chỉ mới chiếm dưới 50%, số còn lại không chịu đeo kính vì xấu hổ, vì sợ đeo kính sớm sẽ tăng độ, hoặc không biết mắc tật khúc xạ. Học sinh có tật khúc xạ đến bệnh viện khám và chỉnh kính đa số có cải thiện thị lực.

Mức độ gia tăng cận thị như thế nào? Một nghiên cứu khác về “Đánh giá sự tiến triển của cận thị trong học sinh phổ thông khám tại Bệnh viện mắt Trung ương” của bác sĩ Phạm Thị Hạnh –Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng đưa ra một số kết luận như: Tiến triển cận thị trung bình hàng năm của học sinh phổ thông là 0,65D/năm, độ tuổi tiến triển cận thị nhanh nhất là từ 10 -13 tuổi. Khả năng tăng độ cận thị ở nữ là 0,71D/năm, nhanh hơn so với học sinh nam 0,57D/năm. Cận thị xuất hiện trước 10 tuổi sẽ tiến triển cận thị trung bình hàng năm nhanh hơn so với cận thị xuất hiện muộn sau 10 tuổi. Trẻ bị cận dưới 2D có đeo kính sớm thì mức độ tiến triển cận thị trung bình là 0,56D/năm, chậm hơn so với trẻ bị cận trên 2D mới đeo kính lần đầu là 0,82D/năm. Các yếu tố làm tăng độ cận thị như: tiền sử gia đình bố mẹ bị cận, thời gian học bài mắt nhìn gần quá lâu.

Hậu quả của tật khúc xạ mắc thường là: Đối với sức khỏe, do mắt kém nên trẻ ít hoạt động, cơ thể kém phát triển do hạn chế tập thể dục, trẻ cận thị thích ngồi đọc sách hơn là vui chơi ngoài trời, chính điều này làm cho cận thị phát triển tăng độ nhanh hơn. Vì vậy, cận thị là một chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đối với mọi nghề nghiệp. Đối với học tập, đọc chậm, dễ nhầm dấu, đọc sai, sót chữ, mau mệt mỏi mắt do mắt điều tiết dẫn đến kết quả học tập sa sút nếu không đeo kính. Đối với cuộc sống, sinh hoạt và chọn nghề thường gặp khó khăn hơn các bạn không bị tật khúc xạ. Những tai hại do cận thị đều có thể phòng tránh, hạn chế sự tiến triển thông qua khám mắt và đo thị lực định kỳ. Có thể phát hiện sớm cận thị từ đó có kế hoạch điều trị, hướng dẫn phụ huynh, học sinh chăm sóc mắt, giữ gìn vệ sinh đôi mắt, học sinh bị tật khúc xạ có thói quen đeo kính đúng để hạn chế các tai biến xấu như bong võng mạc, tăng độ cận… Bảo vệ đôi mắt bị tật khúc xạ không gì khác hơn là phải đeo kính, phải hiểu rằng đeo kính không làm cho cận thị tiến triển mà rất cần thiết cho sự phát triển hài hòa của thị lực hai mắt, đeo kính đúng, thích hợp sẽ làm cho mắt đỡ mệt mỏi, làm việc dẻo dai hơn.

DIỆU HIỀN