Nhiều hộ dân vùng thiên tai cần được di dời

03:04, 08/04/2012

Theo số liệu thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện có khoảng 860 hộ sống trong vùng thường xuyên bị lũ quét và lở đất cần di dời khẩn cấp.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện có khoảng 860 hộ sống trong vùng thường xuyên bị lũ quét và lở đất cần di dời khẩn cấp. Con số này của năm 2008 là trên 1.000 hộ. Như vậy, trong các năm từ 2008 đến 2011, đã có hơn 150 hộ được di dời.

Huy động xe máy múc đến giải quyết một vụ sạt núi tại xã Đạ Chair, huyện Lạc Dương.
Huy động xe máy múc đến giải quyết một vụ sạt núi tại xã Đạ Chair, huyện Lạc Dương.


Ông Đỗ Phú Quới - Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh, cho biết: Chỉ tính riêng trên địa bàn xã An Nhơn của huyện (thuộc vùng đất trũng, có sông Đồng Nai đi qua) cũng đã có đến trên 50 hộ dân cần phải di dời. Cuối năm ngoái (2011), huyện cố gắng lắm cũng chỉ mới di dời được 27 hộ; 23 hộ còn lại sẽ được di dời trong năm nay. Tương tự, tại huyện Đạ Huoai, hơn 80 hộ dân sống ven sông Đạ Huoai thuộc xã Đạ Ploa từ nhiều năm qua luôn trong tâm trạng nơm nớp lo sợ vì bờ sông đã “ngoạm” gần đến nhà họ rồi nhưng việc di dời của chính quyền thì cứ lần lữa (vì thiếu kinh phí). Cũng trong mùa mưa năm trước (2011), chính quyền huyện Đơn Dương đã cùng với ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng phải di dời khẩn cấp “vô điều kiện” đối với 16 hộ dân (hơn 50 khẩu) sống ngay dưới chân núi Drann thuộc thị trấn Drann vì mưa lớn khiến cho cả mảng lớn đất đá trên núi đổ ập xuống khu dân cư. Mới đây, tại huyện Cát Tiên, một mảng sông Đồng Nai bỗng “đánh ầm” khiến cho hàng ngàn m3 đất đá cùng hoa màu, cây cối bị cuốn trôi và hàng chục ngôi nhà của người dân bị đặt trong tình thế cấp bách phải di dời. “Huyện chúng tôi đang vừa khảo sát tìm nguyên nhân sụt lở bờ sông nhưng cũng đang tính đến phương án di dời, bố trí những hộ dân trong vòng nguy hiểm đến nơi ở mới” - ông Huỳnh Văn Đẩu, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, cho biết.

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi có địa hình đồi núi chia cắt và hệ thống sông suối dày đặc. Cùng với những nguyên nhân chủ quan do tác động trực tiếp của con người thì bởi lịch sử di dân để lại (trong đó có cả vấn đề bố trí dân cư những năm trước đây và cả vấn đề di dân tự do) nên hiện có đến hàng trăm hộ dân đang bị đặt trong tình thế khẩn cấp phải di dời ra khỏi vùng cực kỳ nguy hiểm (cùng với trên 500 hộ nằm trong “dạng” nguy hiểm cần di dời) âu cũng là chuyện đã rồi, không cần phải “bới lông tìm vết”, mà vấn đề lúc này là cần giải quyết “hậu quả” đó để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.

Theo tính toán của cơ quan chức năng (Chi cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng) thì kinh phí “khẩn cấp” chỉ khoảng 70 tỷ đồng để “giải quyết nhanh” những hộ thuộc diện “cực kỳ nguy hiểm” xem ra không phải là số tiền quá lớn!

KHẮC DŨNG