Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị của cử tri Lâm Đồng

03:05, 10/05/2012

Hiện nay, dân trí ở các vùng dân tộc còn thấp, công tác giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên nhưng chính sách thu hút đầu tư còn nhiều nội dung bất hợp lý, không khả thi. Vậy giải quyết vấn đề trên như thế nào để thu dần khoảng cách về dân trí giữa các vùng dân tộc? Ở Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng đang có nhu cầu mở thêm các lớp học ở các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa nhưng giáo viên rất thiếu, giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

* Ông Ya Duck - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Hiện nay, dân trí ở các vùng dân tộc còn thấp, công tác giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên nhưng chính sách thu hút đầu tư còn nhiều nội dung bất hợp lý, không khả thi. Vậy giải quyết vấn đề trên như thế nào để thu dần khoảng cách về dân trí giữa các vùng dân tộc? Ở Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng đang có nhu cầu mở thêm các lớp học ở các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa nhưng giáo viên rất thiếu, giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Tặng học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương
Tặng học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương. Ảnh Văn Báu


* Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời:

Các tỉnh Tây Nguyên là một trong những vùng khó khăn nhất so với các vùng khác trong cả nước, chính vì thế, trong nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước cũng như Bộ GD-ĐT đã có sự quan tâm tới công tác phát triển giáo dục ở khu vực này. Cụ thể: Ngày 5/2/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 25/QĐ-TTg về việc “Ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010”. Sau 3 năm triển khai thực hiện Quyết định này, KT-XH nói chung, giáo dục, đào tạo, dạy nghề Tây Nguyên nói riêng đã có những bước phát triển quan trọng. Ngày 2/11/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1951/QĐ-TTg về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề của các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên (gọi tắt và vùng Tây Nguyên) giai đoạn 2011-2015 nhằm tạo bước phát triển toàn diện ở các cấp học, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT-XH, góp phần ổn định chính trị, QP-AN của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Quán triệt mục tiêu thực hiện Quyết định số 1951/QĐ-TTg, Bộ GD-ĐT đã xác định một số việc cần làm ngay là nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù để phát triển dạy nghề vùng Tây Nguyên, thu hút và phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, chính sách thu hút giáo viên dạy nghề; xây dựng chính sách phát triển bền vững chương trình học bổng cho sinh viên sư phạm người dân tộc thiểu số và học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm mở rộng cơ hội cho đối tượng người dân tộc thiểu số được đào tạo thành giáo viên trung học phổ thông và giáo viên trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; từng bước hoàn thiện mạng lưới trường học, thực hiện kiên cố hoá, chuẩn hoá cơ sở vật chất trường học ở các cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Ưu tiên đầu tư cho Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt phát triển theo hướng đa ngành, từng bước mở thêm ngành nghề đào tạo mới theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của vùng, phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu mạnh của vùng Tây Nguyên. Ưu tiên đầu tư đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng dạy nghề cho một số nghề ở Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt và Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên đạt trình độ quốc tế; các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề còn lại được đầu tư đồng bộ từ 2-5 nghề đạt chuẩn quốc gia.

Thực hiện Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT và Công văn 1343 hướng dẫn các Sở GD-ĐT, các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng về tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2012. Theo đó, thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo Quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này (trong đó có Tây Nguyên), được hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển vào học.