Đăng ký bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích - bắt đầu từ đâu?

03:05, 08/05/2012

Theo thống kê, trên 10 năm trở lại đây, Lâm Đồng có tổng cộng 16 công trình đã nộp đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích và được cấp bằng độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Theo thống kê, trên 10 năm trở lại đây, Lâm Đồng có tổng cộng 16 công trình đã nộp đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích và được cấp bằng độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Có thể nói, đây là hình thức khuyến khích và khẳng định chính thống khả năng tìm tòi, sáng tạo trên nhiều lĩnh vực của tác giả để ứng dụng vào cuộc sống. Với một số lượng khiêm tốn các sáng chế, giải pháp hữu ích như vậy, việc tiếp cận đăng ký bằng độc quyền nên chuẩn bị thế nào?

Nghiên cứu về nhộng tằm là lĩnh vực được nhiều tác giả quan tâm, nộp đơn đăng ký cấp bằng độc quyền.
Nghiên cứu về nhộng tằm là lĩnh vực được nhiều tác giả quan tâm, nộp đơn đăng ký cấp bằng độc quyền.


Mười sáu sáng chế, giải pháp hữu ích tại Lâm Đồng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp. Tác giả của các sáng chế, giải pháp hữu ích đó thuộc nhiều thành phần như công chức nhà nước, người dân, các doanh nghiệp… Có thể kể đến những công trình như: Phương pháp phân tích thành phần cần thiết và đất nhân tạo để trồng lan và quy trình sản xuất đất nhân tạo; Phương pháp tạo cây chè ghép, máy kéo tơ từ kén phế; Phương pháp sản xuất bột giàu prôtêin từ nhộng tằm khô… Được công nhận sáng chế, sáng kiến, giải pháp hữu ích là điều quan trọng đối với tác giả. Trong thực tế, có khá nhiều ý tưởng mới, phương pháp mới xuất hiện và việc xác định tiêu chuẩn để đăng ký bảo hộ được đông đảo tác giả quan tâm.

Anh Hữu Huy - Phó phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ cho biết, theo Luật Sở hữu trí tuệ thì điều kiện đối với sáng chế được bảo hộ dưới hình thức “Bằng độc quyền sáng chế” là: có tính mới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp; còn sáng chế được bảo hộ bởi “Bằng độc quyền giải pháp hữu ích” cần có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp. Quy trình này được thực hiện theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Sở Khoa học Công nghệ (KH- CN) ở địa phương hỗ trợ các tác giả, nhóm tác giả thực hiện theo đúng quy trình.

Vấn đề được nhiều tác giả quan tâm là liệu đề tài, công trình nghiên cứu ở tầm cỡ nào thì nên theo đuổi để được cấp “Bằng độc quyền sáng chế” hay “Bằng độc quyền giải pháp hữu ích”? Theo tài liệu hướng dẫn với cách trình bày khá thân thiện của Cục SHTT thì tác giả nên lưu ý rằng liệu đối tượng đăng ký có phải là giải pháp kỹ thuật hay không và có khả năng đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ không? Tác giả nên tham khảo thông tin qua: công báo Sở hữu công nghiệp, đăng bạ quốc gia về sáng chế/giải pháp hữu ích, mô tả các sáng chế của các quốc gia tại Cục SHTT. Một học sinh trung học phổ thông trên địa bàn Đà Lạt có công trình nghiên cứu về máy phun thuốc trừ sâu tự động đạt giải học sinh nghiên cứu khoa học, gia đình em đã rất tâm đắc trong việc đăng ký bằng độc quyền nhưng sau khi tiếp cận với những nguồn thông tin về khả năng tham gia đã quyết định dừng dự định này bởi so với yêu cầu, công trình vẫn cần tiếp tục được nâng cao về chất lượng.

Tìm kiếm các giải pháp, sáng chế trên địa bàn tỉnh, ngoài những tác giả có các nghiên cứu độc lập, hoạt động của các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng đã khơi dậy và phát hiện những sáng chế tốt. Được tổ chức bắt đầu từ năm 2002 và duy trì định kỳ, hội thi này tạo ra một môi trường để các tác giả, nhóm tác giả có thể thể hiện nghiên cứu của mình Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Mộng Sinh - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh thì nếu một công trình xuất sắc được hỗ trợ đăng ký “Bằng độc quyền sáng chế” hay “Bằng độc quyền giải pháp hữu ích” sẽ góp phần nâng tầm công trình, khẳng định giá trị của công trình. Hiện nay, Hội rất mong có thể đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ cho sáng tạo kỹ thuật, thúc đẩy phong trào sáng tạo, nghiên cứu để ứng dụng phục vụ đời sống. Qua các kỳ hội thi, kinh phí tổ chức hội thi được sự hỗ trợ một phần từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ.

“Bằng độc quyền sáng chế” hay “Bằng độc quyền giải pháp hữu ích” có ý nghĩa và tầm quan trọng lớn nên từ khi đăng ký đến lúc được công bố văn bằng bảo hộ cần trải qua nhiều quy trình. Thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu xét nghiệm nội dung hoặc từ ngày công bố đơn, Cục SHTT sẽ thông báo kết quả xét nghiệm nội dung đơn, trong đó nêu rõ đối tượng có đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ hay không. Về phía cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (thuộc Sở KH-CN) là đầu mối hướng dẫn cá nhân, tổ chức tiếp cận với những thủ tục và thông tin tham gia vào quá trình này.
 

HẢI YẾN