Hút thuốc lá đã gây ra tử vong cho gần 6 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong vòng 15 năm tới, dịch hút thuốc lá sẽ giết chết 8 triệu người hàng năm.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Hút thuốc lá đã gây ra tử vong cho gần 6 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong vòng 15 năm tới, dịch hút thuốc lá sẽ giết chết 8 triệu người hàng năm. Đây là những người chết vì các bệnh liên quan trực tiếp đến thuốc lá như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim mạch và các biến chứng khác. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ cho 6 trong 8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho cộng đồng là do mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo WHO, hơn một nửa số người hút thuốc lá thường xuyên tại Việt Nam sẽ chết vì các bệnh liên quan tới thuốc lá, và chi phí dành cho việc điều trị các căn bệnh có liên quan là rất tốn kém. Ngoài ra, ở các hộ nghèo có người hút thuốc, việc chi tiêu cho thuốc lá còn tốn kém hơn nhiều so với chi phí cho giáo dục hoặc y tế.
Hiện nay, mỗi năm trên cả nước có trên 40 ngàn người chết vì hút thuốc lá (là hơn một trăm người chết mỗi ngày). Con số này cao gấp ba lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới cao nhất thế giới vì gần 60% nam giới trưởng thành hút thuốc lá. Hầu hết những người hút thuốc đều bắt đầu thói quen này từ khi còn trẻ. Theo thống kê chung, 10% học sinh nam tại Việt Nam ở độ tuổi 13 đến 15 có hút thuốc lá. Tại Lâm Đồng, chưa có con số thống kê chính xác về thực trạng hút thuốc lá trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu được thực hiện vào năm 2008 của Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng đăng trên Tạp chí Hô hấp Pháp, hơn 50% nam giới tại Đà Lạt hút thuốc lá và gần 15% trường hợp trong số này mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Hơn 60% trường hợp người hút thuốc lá mong muốn được trợ giúp cai thuốc lá.
Những nguy cơ liên quan đến hút thuốc lá thụ động rất đa dạng và quan trọng nhất là bệnh lý tim mạch. Tiếp xúc với khói thuốc lá vài giờ trong tuần làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, ung thư phổi, làm nặng thêm bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và tạo thuận lợi cho nhiễm trùng hô hấp. Ở phụ nữ mang thai, tiếp xúc với khói thuốc lá làm cho cân nặng của trẻ sơ sinh thấp và là nguyên nhân chính cho 30% trường hợp đột tử ở trẻ trơ sinh.
Tại Việt Nam, khoảng 65% người hút thuốc nói rằng họ hút thuốc tại nơi làm việc và 90% nói rằng họ có hút thuốc tại nhà. Do vậy, trẻ em là nạn nhân thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc tại nhà và hơn 30% số ca tử vong do khói thuốc xảy ra ở trẻ em. Điều nguy hại là các khu vực hút thuốc riêng biệt hoặc thông gió không bảo vệ người không hút thuốc từ khói thuốc. Vì khói thuốc có thể lan từ một khu vực hút thuốc vào một khu vực không hút thuốc, ngay cả khi các cánh cửa giữa hai khu vực được đóng lại và ngay cả khi có hệ thống thông gió. Ngoài ra, trẻ thành niên tiếp xúc với khói thuốc tại nhà làm tăng nguy cơ muốn hút thuốc lá hơn những trẻ không tiếp xúc.
Tuy nhiên, dịch hút thuốc lá có thể ngăn ngừa được. WHO đã đưa ra sáu chính sách hiệu quả nhất có thể ngăn chặn nạn dịch thuốc lá trong chiến lược phòng chống thuốc lá là: Giám sát việc sử dụng thuốc lá và thực hiện tốt phòng chống thuốc lá; bảo vệ người dân khỏi khói thuốc lá; cung cấp sự giúp đỡ để cai thuốc lá; cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của thuốc lá; thực thi lệnh cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá; tăng thuế tiêu thụ thuốc lá.
Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25 - 31/5/2012) Tổ chức Y tế Thế giới chọn chủ đề Ngày Thế giới không hút thuốc lá năm nay là: “Sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá đối với các chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá” với mục đích giúp các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia nhận biết được chiến lược của ngành công nghiệp thuốc lá làm suy yếu việc thực hiện có hiệu quả Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. AN NHIÊN |
TS-BS. DƯƠNG QUÝ SỸ
Tổng biên tập Tạp chí Hô hấp Pháp - Việt