Trả lời kiến nghị của cử tri

02:05, 17/05/2012

Theo báo cáo của Bộ giáo dục và Đào tạo, xin được hỏi Bộ trưởng cách tính việc phổ cập giáo dục tiểu học và báo cáo cơ sở hoàn thành, tức là trung học phổ thông cơ sở thì trong đó có cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cách tính kết quả này như thế nào? Có thực sự như vậy hay không?

* Ông Ya Duck - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Theo báo cáo của Bộ giáo dục và Đào tạo, xin được hỏi Bộ trưởng cách tính việc phổ cập giáo dục tiểu học và báo cáo cơ sở hoàn thành, tức là trung học phổ thông cơ sở thì trong đó có cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cách tính kết quả này như thế nào? Có thực sự như vậy hay không?

* Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời:

Việc tính phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở:

a)    Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 36/2009/TT-BGDĐT về kiểm tra, công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tại Điều 5 Tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, quy định như sau:

-    Đối với cá nhân: “Trẻ em được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học phải hoàn thành chương trình tiểu học trong độ tuổi 15 tuổi”.

-    Đối với đơn vị cơ sở (xã, phường, thị trấn): “Đơn vị cơ sở được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học phải có 80% trở lên số trẻ em trong độ tuổi 14 hoàn thành chương trình tiểu học; đối với miền núi, vùng khó khăn phải có 70% trở lên số trẻ em trong độ tuổi 14 hoàn thành chương trình tiểu học”.

-    Đối với đơn vị cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), đơn vị cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: “Đơn vị cấp huyện, đơn vị cấp tỉnh được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học phải có 90% trở lên số đơn vị cơ sở được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học; đối với miền núi, vùng khó khăn phải có 80% trở lên số đơn vị cơ sở được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học”.

Như vậy, tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học áp dụng cho tất cả trẻ em trước độ tuổi 15 trong đó có trẻ em là người dân tộc thiểu số. Tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học được hạ thấp đối với các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn. Theo tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, một đơn vị (cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh) đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học thì vẫn có thể còn một số trẻ em trong độ tuổi 14 chưa hoàn thành chương trình tiểu học, chẳng hạn đối với vùng miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn tối đa là 30%.

b)    Thông tư số 36/2009/TT-BGDĐT cũng đưa ra tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi theo hai mức độ: Mức độ 1, mức độ 2. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi có mục tiêu củng cố vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, làm nền tảng vững chắc phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Tiêu chí về học sinh trong tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được tính theo tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1, tỷ lệ trẻ em 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, yêu cầu trẻ em đi học đúng độ tuổi ở tất cả các lớp; không có trẻ em 11 tuổi bỏ học và không hạ thấp tiêu chuẩn cho vùng khó khăn.

c)    Việc quy định tiêu chuẩn, kiểm tra, đánh giá công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở thực hiện theo Nghị định số 88/2001/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở và Quyết định số 26/2001/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định tiêu chuẩn kiểm tra và đánh giá công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Để công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở tại Quyết định số 26/2001/QĐ-BGDĐT quy định:

- Đối với các đơn vị cơ sở (xã, phường, thị trấn) phải đạt 2 tiêu chuẩn:

Tiêu chuẩn 1: Phổ cập giáo dục tiểu học: Đạt và duy trì phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ; huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 90% trở lên; trẻ em ở độ tuổi 11 đến 14 tốt nghiệp tiểu học đạt ít nhất 80%; huy động số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6: 95%.

Riêng đối với các xã khó khăn (theo quy định của Quốc hội), các tiêu chuẩn cần đạt: Huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 80% trở lên; trẻ em ở độ tuổi 11 đến 14 tốt nghiệp tiểu học đạt ít nhất 70%; huy động số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6: 80%.

Tiêu chuẩn 2: Phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS từ 90%, xã khó khăn đạt 75% trở lên; thanh thiếu niên trong độ tuổi 15 đến 18 có bằng tốt nghiệp THCS (2 hệ) từ 80%, xã khó khăn 70% trở lên.

Như vậy đối với các xã khó khăn mức độ yêu cầu thấp hơn so với các vùng khác (vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường là thuộc các xã khó khăn).

- Đối với đơn vị quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh:

Đạt và duy trì được chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ; có 90% số đơn vị cơ sở (xã, phường, thị trấn) được công nhận tại thời điểm kiểm tra.

- Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Số đơn vị quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc là 100% (Tiêu chí 2 và tiêu chí 3 không phân biệt các tỉnh khó khăn).

- Để công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở theo quy trình: Ban chỉ đạo cấp huyện công nhận đối với cấp xã; Ban chỉ đạo cấp tỉnh công nhận cấp huyện và Ban chỉ đạo Trung ương (thường trực là Bộ GD-ĐT) công nhận đối với cấp tỉnh. Như vậy, việc quy định tiêu chuẩn, kiểm tra, đánh giá công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trên cơ sở pháp lý rõ ràng và theo quy trình chặt chẽ, khách quan.