Tương lai của nghề nuôi cá nước lạnh?

02:05, 01/05/2012

Tuy mới được đưa vào nuôi thả trong những năm gần đây, nhưng cá nước lạnh gồm cá tầm và cá hồi đã tỏ ra rất thích nghi với điều kiện tự nhiên của nhiều địa phương trong tỉnh, và được xem là “cú hích mới” để thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản.

Tuy mới được đưa vào nuôi thả trong những năm gần đây, nhưng cá nước lạnh gồm cá tầm và cá hồi đã tỏ ra rất thích nghi với điều kiện tự nhiên của nhiều địa phương trong tỉnh, và được xem là “cú hích mới” để thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản. Để đẩy mạnh việc sản xuất cá nước lạnh có quy mô lớn cả về diện tích nuôi thả và sản lượng thương phẩm, cuối năm 2011 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã kết hợp với Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III xây dựng “Quy hoạch chi tiết phát triển nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng tới năm 2020” và đang được Sở NN-PTNT cũng như các địa phương trong vùng quy hoạch triển khai thực hiện từng bước.

Nuôi cá nước lạnh. Ảnh Văn Báu
Nuôi cá nước lạnh. Ảnh Văn Báu


Qua kết quả khảo sát của các cơ quan thực hiện quy hoạch này, thì vào thời điểm cuối năm 2011 đầu năm 2012 này, trên địa bàn tỉnh đã có 12 doanh nghiệp và hộ gia đình tổ chức sản xuất cá giống và cá nước lạnh thương phẩm, với sản lượng sản xuất năm 2011 gồm 100.000 cá hồi giống, 390.000 con cá tầm giống và 350 tấn cá nước lạnh thương phẩm trên diện tích gần 80 ha mặt nước nuôi thả. Việc sản xuất cá giống hiện đang được thực hiện tại Công ty TNHH Cá tầm Việt Nam (phường 3, Đà Lạt), Công ty An Phú Điền và Công ty cổ phần Giang Ly, Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên (xã Đạ Chay, Lạc Dương)… Ngoài sản xuất cá giống, các doanh nghiệp này đều kết hợp với nuôi cá thương phẩm; một số hồ chứa nước thủy lợi cũng đã được các doanh nghiệp khai thác thả cá nước lạnh như hồ Đasar (Liên Hàm Lâm Hà) với Công ty cổ phần Tầm Việt, hồ KaLa (Di Linh) của Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, hồ Proh (Đơn Dương) của Công ty TNHH Tầm Dương, hồ Mai Thành (Bảo Lộc) của Công ty cổ phần Hàng hải dầu khí Việt Xô… đã cho kết quả khả quan. Từ những thực tế này, Quy hoạch chi tiết phát triển nuôi cá nước lạnh tới năm 2020 của tỉnh được xây dựng dựa vào kết quả điều tra về các yếu tố tự nhiên như nhiệt độ, nguồn nước, môi trường, lao động… thị trường tiêu thụ sản phẩm và những dịch vụ phục vụ nuôi thả cá nước lạnh ở những địa phương trong vùng dự án. Đã có 45 hồ chứa nước và sông suối tại các địa phương trong tỉnh (trừ các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên) được khảo cứu và có thể nuôi thả được các loại cá nước lạnh, trong đó 27 hồ chứa có tổng diện tích mặt nước lạnh dâng bình thường gần 1.300 ha “thỏa mãn các điều kiện môi trường phục vụ nuôi cá nước lạnh” để có thể sản xuất được từ 2.000 tấn cá tầm, 1.000 tấn cá hồi mỗi năm.

Điều kiện tự nhiên và xã hội của các địa phương trong vùng dự án hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi thả cá nước lạnh với quy mô và sản lượng lớn. Tuy nhiên hiện tại, để khai thác có hiệu quả các điều kiện này, các doanh nghiệp, các hộ nuôi thả cá và ngành nông nghiệp địa phương đang phải giải quyết những khó khăn lớn về vốn đầu tư, trứng cá giống, thức ăn chăn nuôi (trứng cá và thức ăn cho cá hầu hết phải nhập khẩu), thị trường tiêu thụ cá thành phẩm. Do những khó khăn này, nên tới nay, trong 35 dự án đăng ký đầu tư nuôi thả cá nước lạnh (với tổng vốn đầu tư 1.082 tỷ đồng, diện tích nuôi thả 343 ha) chỉ mới có 12 dự án triển khai (với vốn đầu tư 120 tỷ đồng, diện tích 167 ha). Và tuy mới có một số nhà đầu tư triển khai nuôi cá thương phẩm, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của họ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, khi 45% sản lượng cá nước lạnh thương phẩm sản xuất hàng năm của tỉnh thời gian qua được tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh, 20% tiêu thụ tại Hà Nội, lượng tiêu thụ tại tỉnh chỉ chiếm khoảng 30%; trong khi đó, địa phương hoàn toàn chưa có cơ sở chế biến thủy sản, việc lưu giữ cá sống để bán “tươi” rất khó khăn, hơn nữa do phải bán nguyên con với giá thành cao nên không phù hợp với khả năng của người tiêu dùng. Vì vậy, theo nhận định của những nhà lập quy hoạch thì từ nay tới năm 2015 phát triển nghề nuôi thả cá nước lạnh của địa phương vẫn phụ thuộc vào việc nhập khẩu trứng giống và thức ăn chăn nuôi, “tới năm 2020 sẽ sản xuất được một ít giống cá tầm và dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc về nguồn giống và thức ăn từ bên ngoài”. Riêng với khâu tiêu thụ, cùng với việc khuyến khích doanh nghiệp nuôi thả cá mở thêm dịch vụ nhà hàng và cung ứng cá sống cho các nhà hàng, khách sạn du lịch, xúc tiến mở rộng thị trường sang Lào, Campuchia… việc xây dựng nhà máy chế biến cá dưới dạng đông lạnh, fillet, đóng hộp… cũng sẽ được Nhà nước đầu tư tại Khu Công nghiệp Phú Hội trước năm 2020.

Chỉ tới khi chủ động được nguồn trứng giống, thức ăn chuyên dùng và có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, nghề nuôi thả cá nước lạnh của Lâm Đồng mới có tương lai, mặc dù là địa phương rất có tiềm năng để phát triển các loại thủy sản cao cấp này.

ĐỨC HƯNG