Chất thải hóa khí sinh học

02:06, 05/06/2012

Nam Ban là địa phương chăn nuôi tập trung khá lớn của huyện Lâm Hà với trên 200 hộ chăn nuôi từ 30 đầu heo trở lên, trong đó có 40 hộ chăn nuôi lớn. Lượng phân heo, nước thải từ chuồng heo rất lớn và đã từng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Nam Ban là địa phương chăn nuôi tập trung khá lớn của huyện Lâm Hà với trên 200 hộ chăn nuôi từ 30 đầu heo trở lên, trong đó có 40 hộ chăn nuôi lớn. Lượng phân heo, nước thải từ chuồng heo rất lớn và đã từng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhưng hiện nay, chính lượng chất thải này đã biến thành khí sinh học, cung cấp cho người chăn nuôi nguồn năng lượng để thắp sáng, đun nấu và lợi ích lớn nhất là môi trường sống trở nên trong sạch hơn rất nhiều.

Chăn nuôi bò sữa ở Nam Ban
Chăn nuôi bò sữa ở Nam Ban


Anh Vũ Đình Thành, khu phố Ba Đình, là một hộ chăn nuôi lớn ở Nam Ban với hai khu chuồng nuôi nhốt trên 100 đầu heo. Chuồng heo được anh xây dựng giữa vườn cà phê nhưng cũng nằm trong khuôn viên vườn nhà. Anh kể, những năm về trước, khi chưa xử lý triệt để lượng phân và nước thải chăn nuôi, mỗi buổi chiều mùi hôi bốc lên nồng nặc, ở trong nhà không thể thở nổi, người nhà thường phải đi nơi khác cho qua thời điểm đó, nhất là mấy bé con nhà anh. Từ ngày theo vận động của Hội Nông dân xã, gia đình lắp hệ thống hầm biogas xử lý phân, nước thải thì mùi hôi gần như giảm hẳn, không còn ô nhiễm như trước. Anh Thành cho biết: “Nhà tôi sử dụng hầm làm bằng chất liệu composite, có hệ thống ống dẫn từ từng ô chuồng tới bể. Khi heo thải phân, nước tiểu, chất thải tự động trôi theo đường ống dẫn tới bể xử lý nên chuồng heo sạch hẳn, bớt trên 90% mùi hôi và sức khỏe con heo cũng tốt, bớt bệnh tật”. Ngoài yếu tố giảm ô nhiễm, lượng khí sinh học thu được từ hầm biogas giúp gia đình anh Thành đun nấu thoải mái, trung bình mỗi tháng đỡ được 1 bình gas với giá trị 500 ngàn đồng. Điện thắp sáng khu vực chuồng heo cũng không mất tiền do được thắp từ khí sinh học.

Tương tự như anh Thành, gia đình ông Trần Quang Tự cũng chăn nuôi heo và cả bò sữa. Bò sữa lại là con vật nuôi yêu cầu chuồng trại phải sạch sẽ để đảm bảo chất lượng sữa an toàn. Vì vậy, ông Tự cũng lắp đặt hệ thống xử lý chất thải hầm biogas composite cho chuồng heo và chuồng bò sữa. Theo ông, hầm chứa làm bằng composite có chất lượng tốt, phù hợp với quy mô hộ gia đình và dễ lắp đặt cũng như sử dụng. Đơn giản chỉ có một bể chứa đã được làm sẵn, người dùng chỉ cần đào hố, cho hầm xuống, lắp đặt những đường ống bằng nhựa nối từ chuồng heo tới bể. Chất thải sẽ tự động trôi theo đường ống xuống bể chứa và được xử lý trong đó, một phần biến thành khí gas có thể sử dụng để đun nấu hoặc thắp sáng, phần bã còn lại còn trở thành phân bón hữu cơ rất tốt. Một hệ thống xử lý chất thải bằng như vậy có giá 12 triệu đồng. Ngoài bể làm từ composite, còn có bể xây gạch phục vụ những trang trại lớn vì bể xây gạch có thể điều chỉnh dung tích chứa chất thải theo yêu cầu của người sử dụng.

Là địa phương có lượng chăn nuôi lớn, việc xử lý chất thải thành khí sinh học đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân Nam Ban. Anh Đinh Xuân Hội, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn cung cấp: “Toàn thị trấn có 200 hộ chăn nuôi, 40 hộ chăn nuôi lớn, với hàng ngàn đầu heo, bò như vậy lượng chất thải nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm khủng khiếp, ảnh hưởng sức khỏe không chỉ người trực tiếp chăn nuôi mà cả cộng đồng xung quanh. Chúng tôi hết sức động viên các hộ chăn nuôi xây dựng hệ thống xử lý chất thải thành khí sinh học, đầu tiên là giữ sạch sẽ cho môi trường, sau là tận dụng được lượng gas phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, với những hộ chăn nuôi nhỏ, số tiền trên 10 triệu/1 hầm cũng hơi nặng tiền, chúng tôi đề nghị cấp trên tăng kinh phí hỗ trợ để bà con xây dựng hầm biogas đủ tiêu chuẩn”. Chăn nuôi là hoạt động sản xuất mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân nhưng dễ gây ô nhiễm môi trường. Xử lý vấn đề chất thải chăn nuôi tốt như nông dân Nam Ban đã mang lại thu nhập cao cho bà con và vẫn giữ được môi trường sống trong lành.

Diệp Quỳnh