Công trình thủy lợi bị xâm hại từ nông nghiệp và nông dân

02:06, 10/06/2012

Nhiều công trình thủy lợi đang hàng ngày, hàng giờ bị xâm hại từ chính những hoạt động sản xuất nông nghiệp của những người nông dân đang được hưởng lợi trực tiếp từ công trình.

Là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt và phần lớn dân cư là nông dân, công tác thủy lợi đang là yếu tố hàng đầu quyết định thành bại của sản xuất nông nghiệp cũng như của sự nghiệp xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Thế nhưng hiện tại, các công trình thủy lợi lại đang hàng ngày, hàng giờ bị xâm hại từ chính sản xuất nông nghiệp và của chính những người nông dân đang được hưởng lợi trực tiếp từ công trình.

Hồ Ka La (Di Linh) đang hàng ngày bị xâm hại bằng việc nông dân đào mương lấy nước và mất cắp thiết bị vận hành
Hồ Ka La (Di Linh) đang hàng ngày bị xâm hại bằng việc nông dân đào mương lấy nước và mất cắp thiết bị vận hành


Theo Sở NN-PTNT, từ nguồn vốn đầu tư rất khổng lồ chưa thể thống kê của Nhà nước và đóng góp của nông dân, Lâm Đồng hiện đã có 592 công trình thủy lợi lớn nhỏ, cung cấp nước tưới cho gần 115.060 ha cây trồng. Để ngày càng tăng diện tích cây trồng được chủ động nước tưới, riêng năm 2011 vừa qua, Nhà nước lại tiếp tục đầu tư cho Lâm Đồng 46 công trình thủy lợi với tổng vốn lên tới 230 tỷ đồng (trong đó Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư 20 công trình với tổng vốn đầu tư gần 78 tỷ đồng).

Trung tâm QLKT công trình thủy lợi Đà Lạt hiện được Sở NN-PTNT tỉnh và UBND thành phố giao quản lý 17 công trình - hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn Đà Lạt. Các công trình này cung cấp nước tưới cho 715 ha đất nông nghiệp và mỗi năm còn cung cấp 1,5 triệu m3 nước thô cho Nhà máy nước Đà Lạt sản xuất nước sinh hoạt. Từ việc nông dân ngày càng mở rộng sản xuất nông nghiệp tại thượng lưu làm cho rừng đầu nguồn ngày càng bị thu hẹp, các hồ thủy lợi của Đà Lạt như Lộc Quý, Tự Phước, Thái Phiên, Chiến Thắng đang bị bồi lấp nặng, lượng nước trong hồ đã giảm thiểu so với chỉ cách nay vài năm; còn các hồ Đa Thiện 1-2 và hồ Mê Linh (hiện đang được nạo vét lại) thì bị bồi lấp hoàn toàn và “gần như đã bị xóa sổ”… Hồ đập bị bồi lắng đang dẫn tới nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng, và hơn thế nữa, việc hồ Chiến Thắng thường xuyên bị bồi lắng còn đe dọa nặng nề tới lượng nước sinh hoạt của thành phố Đà Lạt vào các mùa khô.

Theo Hội Nông dân Đà Lạt, nếu tính bình quân khoảng 30-35% sản phẩm thu hoạch từ sản xuất nông nghiệp là phế phẩm, thì mỗi năm nông dân Đà Lạt đã thải ra môi trường từ 60-70 ngàn tấn rác thải như lá và thân rau hoa già cỗi thối rữa, chưa kể các loại bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Các loại phế - phụ phẩm này tràn xuống các dòng suối sau đó theo nước và đất rửa trôi do canh tác nông nghiệp trên đất dốc lấp đầy các hồ đập chứa nước. Tình trạng này thể hiện rất rõ ở hồ Xuân Hương - một công trình thủy lợi và là một cảnh quan du lịch quan trọng đã được xếp hạng của Đà Lạt - mỗi năm vào mùa mưa đang phải hứng chịu hàng trăm (thậm chí hàng ngàn) khối rác thải từ sản xuất nông nghiệp, và thành phố đã phải bỏ ra mỗi năm hàng trăm triệu đồng kinh phí để vớt rác và làm vệ sinh mặt hồ; cứ vài năm ngành NN-PTNT tỉnh lại phải tiến hành nạo vét lòng hồ một lần với kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng.

Cùng với việc bị bồi lấp vì đất đá rửa trôi và phế phẩm nông nghiệp, các công trình thủy lợi còn bị chính người nông dân xâm hại bằng việc lấn chiếm hành lang bảo vệ để sản xuất nông nghiệp, hoặc đào phá bờ kênh đất và đục phá bờ kênh bê tông mới được kiên cố hóa để lấy nước tưới. Trên địa bàn toàn tỉnh, những hành vi xâm hại công trình thủy lợi như vậy đang diễn ra hàng ngày và có tính phổ biến tại tất cả các địa bàn có công trình; một số kênh mương dẫn nước đã kiên cố hóa và mới đưa vào khai thác của hệ thống Tuyền Lâm - Định An - Quảng Hiệp, của hồ Đạ Tẻh, hồ Đạ Hàm, hồ Đạ Ròn… vì thế đang xuống cấp và hư hỏng trầm trọng. Hàng năm, Nhà nước đang phải đầu tư khá nhiều tiền của cho việc duy tu sửa chữa các công trình thủy lợi bị xâm hại, nhưng hành vi xâm hại công trình thủy lợi do nông dân và sản xuất nông nghiệp vẫn còn tiếp tục tiếp diễn và chưa được ngăn chặn ở nhiều địa bàn trên toàn tỉnh.

Để bảo vệ các công trình thủy lợi, đã đến lúc các địa phương cần sớm quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp, chuyển việc canh tác cây ngắn ngày sang trồng cây dài ngày ở vùng lưu vực các hồ chứa, khôi phục lại rừng đầu nguồn (để hạn chế đất rửa trôi bồi lắng lòng hồ), khuyến cáo và tổ chức cho nông dân thu gom và xử lý phế phẩm nông nghiệp, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các hành vi xâm hại công trình…

Đức Hưng