Đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng

03:06, 10/06/2012

Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn từ nay đến 2020. So với một số địa phương khác thì Lâm Đồng là tỉnh chịu tác động mạnh hơn bởi quyết định này, do đây là tỉnh có nhiều khu rừng được quản lý theo quy chế rừng đặc dụng.

Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn từ nay đến 2020. So với một số địa phương khác thì Lâm Đồng là tỉnh chịu tác động mạnh hơn bởi quyết định này, do đây là tỉnh có nhiều khu rừng được quản lý theo quy chế rừng đặc dụng.

 Kinh doanh du lịch dưới tán rừng đặc dụng
Kinh doanh du lịch dưới tán rừng đặc dụng


Việc ban hành Quyết định 24 của Chính phủ là nhằm đảm bảo việc giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý các cấp đối với rừng đặc dụng; đồng thời, tăng tính chủ động của ban quản lý rừng đặc dụng trong hoạt động quản lý, bảo vệ, kinh doanh trong rừng đặc dụng theo nguyên tắc bảo tồn kết hợp với phát triển.

Xác định rừng đặc dụng

Ở Lâm Đồng, có người lập luận rằng: Đà Lạt là “rừng cảnh quan” chứ không phải rừng đặc dụng; cũng như vậy, VQG Cát Tiên là… “vườn quốc gia” chứ không phải rừng đặc dụng. Vậy, rừng đặc dụng là gì? Và, VQG Cát Tiên và rừng cảnh quan Đà Lạt có phải là rừng đặc dụng? Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 quy định: Rừng đặc dụng bao gồm VQG, khu bảo tồn thiên nhiên (gồm khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài, khu sinh cảnh…), khu bảo vệ cảnh quan (rừng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam…), và khu rừng nghiên cứu và thực nghiệm khoa học.

Trong một tài liệu do UBND TP Đà Lạt phát hành có viết: “Thành phố Đà Lạt có diện tích tự nhiên là 39.106ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm 25.646ha với tỷ lệ 73,9%. Đặc điểm chung của quần thể thực vật Đà Lạt là rừng thông 3 lá thuần loại xen kẽ với rừng lá rộng. Do có vị trí tự nhiên đặc biệt cùng với quần thể rừng thông thuần loại nên rừng Đà Lạt được coi là rừng cảnh quan, phục vụ cho du lịch - nghỉ dưỡng. Vì thế, các chương trình định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Lạt trước đây và hiện nay đều nhấn mạnh đến việc bảo tồn cảnh quan tự nhiên để phục vụ cho phát triển du lịch - nghỉ dưỡng, khẳng định rừng Đà Lạt là rừng đặc dụng thuộc phạm vi bảo vệ và phát triển chứ không chú trọng đến khai thác lâm sản” (xin trích nguyên văn những chữ được in nghiêng). Còn đối với rừng Cát Tiên và quần thể tê giác tại đây, ngay từ năm 1997, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chỉ thị nêu rõ: “Kiên quyết không bố trí dân cư, giãn dân hoặc tiếp nhận thêm dân vào khu rừng đặc dụng bảo tồn tê giác Cát Lộc. Những diện tích cần bảo vệ nghiêm ngặt hiện bị phát đốt phải xử lý giải tỏa, không cho phép trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp, thực hiện khoanh nuôi bảo vệ để cho rừng phục hồi hoặc trồng lại rừng để đảm bảo môi trường sống cho loài tê giác Java. Đối với diện tích đang trồng cây ngắn ngày trong rừng đặc dụng phải cương quyết xóa bỏ, từng bước trồng lại rừng” (Chỉ thị số 40/CT-UB ngày 25.9.1997 của UBND tỉnh Lâm Đồng).

Một cách ứng xử mới với rừng đặc dụng

Nếu phải kể thêm thì điều đáng nói là vị trí quan trọng của rừng Lâm Đồng còn được tăng thêm bởi VQG Bidoup Núi Bà; và, bên cạnh đó, diện tích rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ còn chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng diện tích trên 600.000ha rừng của tỉnh. Nói điều này để thấy, với quyết định mới của Chính phủ về đầu tư phát triển rừng đặc dụng - Quyết định 24/2012/QĐ-TTg - thì rừng Lâm Đồng sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng bởi sự tác động của văn bản này.

Theo quyết định mới này của Chính phủ, không chỉ tăng cường tính chủ động của các ban quản lý rừng đặc dụng mà nội dung của văn bản cũng đã nói rõ việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng. Quyết định 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng nêu rõ: “Nhà nước khuyến khích phát triển các hoạt động dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm tạo nguồn thu để bù đắp các chi phí, nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thay thế dần đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước…” và “Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư và tạo cơ chế hưởng lợi cho các thành phần kinh tế, cộng đồng dân cư thôn bản tham gia đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng…” (trích điều 1 của Quyết định 24 về “Quan điểm đầu tư và khuyến khích đầu tư phát triển rừng đặc dụng”).

Rồi nữa, cùng với cả nước, các khu rừng đặc dụng của Lâm Đồng trong tương lai gần cũng sẽ được thực hiện cơ chế quản lý theo hình thức huy động cộng đồng dân cư thôn bản. Với các ban quản lý, ngoài kinh phí hoạt động thường xuyên theo quy định thì còn được Nhà nước cấp một khoản tiền bình quân 40 triệu đồng cho một thôn buôn cho mỗi năm (hoặc tương đương 100.000 đồng/ha/năm) để các ban quản lý này chủ động tổ chức thuê và giao khoán quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng cho cộng đồng dân cư.

KHẮC DŨNG