Sân trường đem kinh doanh

03:06, 12/06/2012

Dù thiếu chỗ vận động cho học sinh nhưng Ban giám hiệu một trường học tại Đà Lạt đã lấy sân vận động duy nhất của trường để liên doanh với doanh nghiệp làm sân bóng cỏ nhân tạo cho thuê tính tiền giờ.

Dù thiếu chỗ vận động cho học sinh nhưng Ban giám hiệu một trường học tại Đà Lạt đã lấy sân vận động duy nhất của trường để liên doanh với doanh nghiệp làm sân bóng cỏ nhân tạo cho thuê tính tiền giờ.

Sân bóng đá cỏ nhân tạo của Trường THCS Nguyễn Du Đà Lạt
Sân bóng đá cỏ nhân tạo của Trường THCS Nguyễn Du Đà Lạt


Đó là Trường Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Du, nay là THCS Nguyễn Du tại Đà Lạt. Nằm kề khu trung tâm, đây là một ngôi trường lớn của TP Đà Lạt với trên hai nghìn học sinh đang học tại đây. Trường có một sân vận động bên cạnh các dãy lớp học, sát đường Bùi Thị Xuân. Trong năm 2010, 2 thành viên của Ban giám hiệu trường là ông Phạm Lưu - Hiệu trưởng và ông Dương Trí Táo, Phó Hiệu trưởng, đã đứng ra hợp đồng với 2 doanh nghiệp để đưa sân vận động trường vào kinh doanh. 2 đơn vị cùng tiến hành làm ăn với trường là Công ty TNHH Sức Khỏe Việt có địa chỉ tại Nha Trang - Khánh Hòa do bà Phạm Thị Thanh Bình - Giám đốc làm đại diện và Công ty Cổ phần VINAPHAR có địa chỉ tại TP HCM do ông Phạm Thành Khang, Giám đốc, làm đại diện thứ hai.

Việc đem nơi học thể dục và sân chơi của học sinh đi kinh doanh, theo Ban giám hiệu trường là vì muốn… xã hội hóa giáo dục. Lý do được nêu ra: sân bị hỏng, xuống cấp, trường không có kinh phí, nên cần liên doanh với công ty ở ngoài vào để sửa chữa sân trường. Cụ thể là làm 2 sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo cùng các công trình phụ trợ đi kèm (nhà vệ sinh, chỗ để xe…). Sân bóng nơi đây theo Ban giám hiệu khi được xây dựng sẽ tạo thêm cơ sở vật chất, sân bãi hiện đại cho học sinh học thể dục, cải tạo lại môi trường, phục vụ cho trường và cho ngành khi cần, đáp ứng được nhu cầu xã hội hóa, tập luyện bóng đá của đông đảo học sinh, sinh viên trên địa bàn trung tâm Đà Lạt.

Theo hợp đồng liên doanh “khai thác dịch vụ thể thao” được ký kết giữa 2 bên, bên A (nhà trường) và bên B (doanh nghiệp), hiệu lực của hợp đồng này kéo dài đến… 12 năm tính từ thời điểm ký kết. Tổng giá trị đầu tư cho 2 sân bóng này khoảng 1,2 tỷ đồng, bên A góp đất, bên B góp vốn. Tỷ lệ ăn chia khi sân bóng này đưa vào sử dụng như sau: 3 năm đầu tiên bên B hưởng 67%, bên A 33%; hai năm tiếp theo bên B 60%, bên A 40 % và 7 năm còn lại tỷ lệ chia đều mỗi bên 50%. Hợp đồng cũng lưu ý rõ là chỉ chia lãi khi sân bóng hoạt động có hiệu quả sau khi trừ mọi chi phí và trích lập quỹ dự phòng xong (tiền khấu hao tạm tính là 20 triệu đồng/tháng, cộng với quỹ dự phòng 5 triệu đồng/tháng).

Để giải quyết sân tập cho học sinh của trường, hợp đồng cũng ghi rõ một điều khoản mà ai đọc vào cũng thấy là học sinh hết… chỗ chơi: mỗi ngày chỉ cho phép trường dạy thể dục 4 tiếng đồng hồ trên sân (tính cả 2 sân, mỗi sân chỉ 2 tiếng). Nhà trường theo hợp đồng muốn sử dụng sân phải có lịch thông báo cho bên B trước… 30 ngày. Còn các ngày học sinh nghỉ học, bên B độc quyền kinh doanh sân.

Ngay thời điểm ký kết hợp đồng này, Trường THCS và THPT Nguyễn Du chịu sự quản lý trực tiếp của Sở GD - ĐT Lâm Đồng, là một trường học trực thuộc Sở, đáng lẽ phải xin phép cơ quan chủ quản là Sở GD - ĐT Lâm Đồng, Ban Giám hiệu Trường Nguyễn Du đã tự ý đứng ra ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Mãi gần 2 tháng sau đó, nhà trường mới có công văn gửi Sở GD - ĐT Lâm Đồng để… xin phép. Công văn này sau đó đã không có sự chuẩn y của Sở GD - ĐT Lâm Đồng.

Ngay trong năm 2010, khi 2 sân bóng này đưa vào vận hành đã thu hút một lượng lớn người chơi thể thao đến đây thuê sân hằng ngày. Tuy nhiên, với quy định cho phép trường sử dụng sân ngặt nghèo như thế đã cản trở rất lớn cho việc dạy và rèn luyện thể chất của học sinh.Vấp phải sự phản đối của nhiều bậc phụ huynh, nhà trường đã buộc phải giảm dần số giờ kinh doanh sân ban ngày để dành cho việc dạy học thể chất cho học sinh.

Trong năm học 2011 - 2012 vừa qua, theo bà Huỳnh Thị Mến, Hiệu trưởng mới của trường (thay thế cho ông Phạm Lưu đã chuyển công tác sang trường khác), 2 sân bóng chỉ còn cho thuê ban đêm từ 5 đến 9 giờ tối, ban ngày dành cho học tập của học sinh, ngày nghỉ mới kinh doanh. Bà Mến cho biết, hợp đồng đã được điều chỉnh từ 12 năm xuống còn 8 năm, việc ăn chia lãi của trường với 2 công ty trên cũng được điều chỉnh. Tuy nhiên, số tiền trường thu được từ hợp đồng này trong 2 năm nay là bao nhiêu bà từ chối cho biết, nhưng cam đoan rằng số tiền này trường vẫn giữ nguyên, chưa dám chi vào việc gì? Cũng cần biết rằng, trường đã chuyển cơ quan chủ quản từ Sở GD - ĐT Lâm Đồng sang cho Tp Đà Lạt với sự quản lý trực tiếp của Phòng Giáo dục Đà Lạt (từ một trường có 2 cấp THCS và THPT, nay chỉ còn cấp THCS công lập). Trong một cuộc gặp gần đây, một lãnh đạo của UBND Tp Đà Lạt cho biết đang đề nghị Trường THCS Nguyễn Du nên sớm thanh lý hợp đồng để trả lại đất cho trường học.

Dù với danh nghĩa nào, xã hội hóa giáo dục, hay là gì đi nữa thì việc lấy đất công (lại là đất dành cho giáo dục) để kinh doanh lấy lãi trong khi học sinh đang thiếu sân chơi, thiếu chỗ dạy học thể chất, thiếu chỗ vận động cho học sinh là một việc làm hết sức sai trái của Ban Giám hiệu Trường THCS và THPT Nguyễn Du Đà Lạt. Trong cơn sốt xây dựng sân cỏ nhân tạo làm bóng đá hiện nay, nhiều trường học đang là đối tượng của các doanh nghiệp nhằm vào vì có quỹ đất sân trường khá rộng. Đã đến lúc các ngành chức năng cần vào cuộc để làm rõ những sai trái tại đây, trả lại sân vận động cho trường, đừng để nơi đây tạo thành một tiền lệ xấu cho những trường học khác noi theo.

Nhóm phóng viên