Cấp giấy chứng nhận nông sản an toàn: Khó và chậm

05:07, 08/07/2012

Để được công nhận là nông sản “sạch” nông sản an toàn, các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản cần được các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá về quy trình sản xuất, về  cơ sở vật chất để thu mua - chế biến và chất lượng nông sản hàng hóa… từ đó, cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến an toàn.

Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 315.826 ha cây trồng các loại được canh tác, trong đó có 109.970 ha cây hàng năm như cây lương thực, cây rau hoa… và 203.984 ha cây dài ngày, bao gồm cà phê, chè, điều và cây ăn quả. Năm 2011, sản lượng nông sản chính của tỉnh được thu hoạch - sơ chế và tiêu thụ gồm 246.360 tấn lương thực, gần 1,4 triệu tấn rau, 347.138 tấn cà phê nhân, 208.893 tấn chè búp tươi và trên 80.231 tấn thịt hơi các loại. Điều rất đáng phấn khởi là với việc thực hiện thành công các chương trình nông nghiệp trọng tâm như nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Viet GAP) năng suất, chất lượng các loại nông sản của tỉnh đều tăng cao so với trước và cơ bản bảo đảm được vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thu hoạch cỏ bằng máy trên vùng nguyên liệu Công ty bò sữa Đà Lạt Milk ở Tu Tra – Đơn Dương. Ảnh: NM
Thu hoạch cỏ bằng máy trên vùng nguyên liệu Công ty bò sữa Đà Lạt Milk ở Tu Tra – Đơn Dương. Ảnh: NM


Tuy nhiên, để được công nhận là nông sản “sạch” nông sản an toàn, các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản cần được các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá về quy trình sản xuất, về  cơ sở vật chất để thu mua - chế biến và chất lượng nông sản hàng hóa… từ đó, cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến an toàn. Với giấy chứng nhận này, sản phẩm của cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản mới được khẳng định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở mới có điều kiện cần để xây dựng thương hiệu nhằm thu hút quan tâm của khách hàng, nhất là với khách hàng ngoài nước. Tuy nhiên, qua số liệu của Sở NN-PTNT tỉnh, tới nay trên địa bàn tỉnh chỉ mới có 89/303 cơ sở sản xuất, chế biến rau được cấp giấy chứng nhận an toàn với diện tích khoảng 466 ha (tổng diện tích rau của tỉnh mỗi năm lên tới 11.000 ha) - chiếm tỷ lệ 4,24% về diện tích và 5% về tổng sản lượng; Với cây chè thì cũng chỉ có 41/142 cơ sở sản xuất - chế biến với diện tích canh tác 288 ha (tổng diện tích chè của tỉnh đang canh tác là 25.000 ha) được cấp giấy chứng nhận này, và 32/110 cơ sở chế biến (không sản xuất, chỉ thu mua - chế biến chè) được công nhận chế biến an toàn. Sản lượng chè sau sơ chế được xác nhận chất lượng của các cơ sở trên hiện vào khoảng 30.975 tấn - bằng 68,8% tổng sản lượng chè thành phẩm sản xuất mỗi năm của tỉnh.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, cho tới nay toàn tỉnh có 6 lò mổ tập trung và 179 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhưng chưa có cơ sở nào được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Toàn tỉnh cũng đã có 199 trang trại chăn nuôi (chiếm tỷ lệ 53% tổng số trang trại hiện có của tỉnh) đang sản xuất với quy mô công nghiệp, nhưng cũng không có trang trại nào được cấp Giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt (VietGAPH).

Vì sao có tình trạng này? Theo nhận định của các ngành chức năng thì việc sản xuất - chế biến nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP và VietGAPH tuy đã được ngành nông nghiệp triển khai, được chính quyền các cấp quan tâm nhưng tại nhiều địa phương, do giá cả tiêu thụ của nông sản “sạch” và “không sạch” không có sự khác biệt lớn, trong khi đầu tư cho sản xuất nông sản “sạch” lại cao hơn nhiều lần so với nông sản được sản xuất theo truyền thống… nên số cơ sở đầu tư cho sản xuất - chế biến nông sản “sạch” chậm phát triển, không được nhà nông mặn mà. Mặt khác, tới nay trên địa bàn tỉnh chỉ mới có 2 đơn vị  được đầu tư phương tiện và có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sản xuất - chế biến nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là Trung tâm Phân tích thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng thuộc Sở KH-CN tỉnh, nhưng cả 2 đơn vị này đều chưa đủ năng lực phân tích chất lượng để cấp giấy chứng nhận chất lượng cho nhiều loại nông sản chính của địa phương nhất là đối với sản phẩm chăn nuôi. Và vì vậy, tuy đã có cơ sở phân tích chất lượng nông sản và cơ sở này có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo chỉ định của Bộ NN-PTNT, nhưng tỷ lệ cơ sở sản xuấ - chế biến - kinh doanh nông sản đã được thẩm định, phân tích chất lượng nông sản và cấp Giấy chứng nhận sản xuất - chế biến - kinh doanh nông sản an toàn lại không đáng kể so với tổng số các cơ sở đang hoạt động và diện tích, sản lượng nông sản sản xuất hàng năm.

Điều này đã và đang có ảnh hưởng xấu tới kết quả sản xuất - kinh doanh của nhiều cơ sở đang sản xuất - chế biến nông sản theo VietGAP và VietGAPH. Và nếu không đẩy nhanh tiến độ, mục tiêu mà UBND tỉnh đặt ra cho ngành nông nghiệp là phấn đấu tới năm 2015 có 100% diện tích rau và chè sản xuất tại các vùng quy hoạch tập trung, 100% cơ sở giết mổ gia súc gia cầm và 80% cơ sở chăn nuôi… được chứng nhận và công bố sản phẩm an toàn… sẽ khó thành hiện thực.  

Đức Hưng