Trong đơn khiếu nại, ông Lực cho rằng được UBND xã cho khai hoang cấp đất khu đồi 2 bên tại thôn 3, xã Đạ Kộ (nay là xã Đạ Kho), diện tích 20.000m2 và ông san lấp mặt bằng 8.000m2 để làm ruộng và trồng hoa màu sinh sống, ông khiếu nại UBND huyện Đạ Tẻh không cấp giấy CNQSD đất 4.115m2 đất cho gia đình ông.
Vừa qua, Báo Lâm Đồng nhận được Công văn số 104/BC-UBND ngày 10/7/2012 của UBND huyện Đạ Tẻh về việc trả lời đơn thư của ông Nguyễn Trường Lực, ngụ tại thôn 4, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh. Vụ việc lấn chiếm đất rừng, đất công trái phép rồi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Lực là không có nguồn gốc cơ sở chính đáng, hoàn toàn sai sự thật.
Trong đơn khiếu nại, ông Lực cho rằng được UBND xã cho khai hoang cấp đất khu đồi 2 bên tại thôn 3, xã Đạ Kộ (nay là xã Đạ Kho), diện tích 20.000m2 và ông san lấp mặt bằng 8.000m2 để làm ruộng và trồng hoa màu sinh sống, ông khiếu nại UBND huyện Đạ Tẻh không cấp giấy CNQSD đất 4.115m2 đất cho gia đình ông.
Lấn chiếm đất công
Sự việc diễn biến như sau, vào khoảng năm 1981, ông Nguyễn Trường Lực đi kinh tế mới vào ở thôn 8, xã Đạ Kho. Đến đầu năm 1983, ông Lực sang nhượng lại 1.500m2 đất của ông Nguyễn Văn Toàn tại thôn 4, xã Đạ Kho. Vào thời điểm này, theo chủ trương của huyện Đạ Tẻh, để tạo điều kiện cho nhân dân có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, UBND huyện đã có cơ chế cấp giấy CNQSD đất tạm thời cho nhân dân. Theo đó, ngày 26/3/1993, ông Nguyễn Trường Lực được UBND huyện Đạ Tẻh cấp giấy CNQSD đất với diện tích 1.000m2 (chứ không phải 3.885m2 như trong đơn khiếu nại của ông Lực). Đến ngày 6/7/2001, ông Lực được UBND huyện Đạ Tẻh cấp giấy CNQSD đất trên diện tích thực tế gia đình ông đang sử dụng là 2.885m2, trong đó có 400m2 đất ở.
Đối với 8.000m2 đất ông Lực cho là tự san lấp mặt bằng, qua chỉ đạo kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất đai nói trên, UBND huyện Đạ Tẻh có ý kiến trả lời rất rõ ràng: “Khu đồi trước đây ông Lực nhận trồng cây nhân dân nằm dọc theo tỉnh lộ 721, trong thời gian từ năm 2004 - 2006, khu đồi trên được cho phép lấy đất để san lấp mặt bằng, quá trình lấy đất đã tạo thành mặt bằng có diện tích 3.578 m2, mặt bằng này giáp đất của gia đình ông Lực. Đến giữa năm 2006, ông Lực lấn chiếm mặt bằng trên làm chuồng bò và trồng cây, hành vi lấn chiếm đất công trái phép của ông Lực đã bị UBND xã Đạ Kho lập biên bản vi phạm, nhưng ông Lực vẫn tiếp tục lấn chiếm sử dụng. Đến ngày 28/11/2006, UBND xã Đạ Kho ban hành Quyết định số 21/QĐ – UBND xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Trường Lực và yêu cầu ông tháo dỡ chuồng bò và giải tỏa cây trồng trên diện tích lấn chiếm đất trái phép; sau đó nhiều lần vận động, thuyết phục không được, ngày 8/1/2008, UBND xã Đạ Kho có Quyết định số 01/QĐ – CC áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với diện tích nói trên.
Chính vì vậy, việc ông Lực khiếu nại còn 4.115m2 đất của ông mà UBND huyện Đạ Tẻh không cấp giấy CNQSD đất cho ông là không có cơ sở. UBND huyện cũng đã có Quyết định số 719/QĐ – CT ngày 30/8/2007 không chấp nhận đơn khiếu nại đề nghị được cấp giấy CNQSD đất, vì diện tích ông Lực xin cấp 3.578m2 là đất lấn chiếm sử dụng trái phép.
Lấn chiếm đất rừng
Theo xác minh nguồn gốc đất của cơ quan chức năng, khu đất ông Lực cho rằng đã khai hoang 20.000m2 trên khu đồi ở thôn 3, xã Đạ Kộ (nay là xã Đạ Kho) có nguồn gốc là đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 572 do Lâm trường Đạ Tẻh quản lý (theo Quyết định 1897/QĐ – CP năm 1989 của Chính phủ và Quyết định số 115/QĐ – UB năm 1990 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc giao đất cho các nông lâm trường quốc doanh quản lý).
Từ nguồn gốc đất trên, ngày 1/7/1991, ông Lực xin đăng ký trồng cây nhân dân ở khu đất trên và được Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh chấp thuận (biên bản không số ký kết giữa Hạt Kiểm lâm với ông Lực ngày 1/7/1991). Đồng thời, ông Lực được Hạt Kiểm lâm giao 10.000 cây keo tai tượng để trồng (theo phiếu trồng cây nhân dân số 01 ngày 1/7/1991). Năm 1998, ông Lực đã khai thác xong số cây keo tai tượng nhận trồng nhưng không trả lại diện tích đất lâm nghiệp cho Lâm trường Đạ Tẻh mà tiếp tục có hành vi lấn chiếm để sử dụng lại. Cụ thể: Vào tháng 7/2001, ông Lực tự ý phát dọn lại khu đất trên với diện tích 5.000m2 mà không được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền (ngày 25/7/2001, Lâm trường Đạ Tẻh đã lập biên bản vi phạm đối với ông Lực); ngày 17/6/2012, ông Lực tiếp tục có hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 1.500m2 và đã bị Lâm trường tiếp tục lập biên bản vi phạm. Với những hành vi vi phạm trên, Hạt Kiểm Lâm huyện đã ban hành Quyết định số 278/QĐ - KL ngày 28/10/2002 về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lực và buộc ông phải khôi phục lại nguyên hiện trạng đất rừng ban đầu, trả lại đất cho Nhà nước.
Chưa dừng lại, ngày 16/6/2004, ông Lực tiếp tục lấn chiếm 2.000m2 đất lâm nghiệp trái phép tại vị trí nêu trên. Ngay sau đó, UBND xã Đạ Kho ban hành Quyết định số 07/QĐ – UBND ngày 1/7/2004 v/v xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lực và buộc ông phải khôi phục lại nguyên trạng.
Cần làm tốt công tác vận động quần chúng, tránh giao đất tranh chấp cho doanh nghiệp
Nội dung thứ hai trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng của ông Lực, ông cho rằng Nhà nước đã lấy đất đồi của ông trồng cây quản lý để giao cho Doanh nghiệp tư nhân Diệu Hương (đại diện là ông Nguyễn Hữu Truyền) mà không có sự thỏa thuận đền bù. Doanh nghiệp này đã chiếm đoạt đất mặt bằng của gia đình ông và được cấp giấy CNQSD đất 199,5m2.
Về nội dung này, UBND huyện cũng đã có ý kiến trả lời rất rõ ràng: Với nguồn gốc đất lâm nghiệp đã được xác minh ở trên, ngày 16/10/2008, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép khai thác khoáng sản (đất san lấp) số 15/ GP – UBND trên diện tích 1,1 ha cho Doanh nghiệp tư nhân Diệu Hương. Ngày 20/1/2009, UBND tỉnh có Hợp đồng thuê đất số 24/HĐ – TĐ ở vị trí trên với Doanh nghiệp tư nhân Diệu Hương trong thời hạn 3 năm. Như vậy, nội dung ông Lực khiếu nại trên là hoàn toàn sai sự thật, không có cơ sở pháp lý.
Ông Lực cho rằng ông Nguyễn Hữu Truyền chiếm đoạt mặt bằng có diện tích 4.115m2 của gia đình ông, trong đó đã được cấp giấy CNQSD đất 199,5m2. Về nội dung này, UBND huyện có văn bản trả lời ông Nguyễn Hữu Truyền không có giấy CNQSD đất 199,5m2 ở thôn 4, xã Đạ Kho. Nội dung này ông Lực vu khống.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên tránh việc giao đất rừng cho doanh nghiệp thuê vào thời điểm không thuận lợi. Người dân sai nhưng phải có biện pháp vận động, hòa giải có tình, có lý, giải quyết tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Không nên giao đất rừng thuê trên diện tích đất đang có tranh chấp. Như thế cũng có nghĩa tạo điều kiện, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
HÀ NGUYỆT