Nếu chiếu theo quy định thì cả tỉnh chỉ có 82 cơ sở chế biến gỗ được phép hoạt động sản xuất, chế biến sử dụng gỗ nguyên liệu được Nhà nước cung ứng thông qua đấu thầu, đấu giá, các cơ sở còn lại nếu có hoạt động thì đều đang sử dụng gỗ nguyên liệu không hợp pháp.
Qua thống kê của Sở NN-PTNT thì ở thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 420 cơ sở chế biến gỗ gồm 122 doanh nghiệp với năng lực chế biến khoảng 200.000 m3 gỗ nguyên liệu mỗi năm - cao hơn kế hoạch khai thác gỗ của tỉnh năm nay khoảng 80.000 m3, còn lại là cơ sở nhỏ của hộ gia đình. Điều đang quan tâm là tới thời điểm này của năm 2011, trong tổng số 420 cơ sở này mới có 5 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà xưởng; 94 doanh nghiệp được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, UBND cấp huyện cũng đã cấp giấy này cho 314 hộ cá thể và 3 hợp tác xã.
Gỗ tận thu và gỗ rừng trồng đang là nguyên liệu sản xuất chính của các doanh nghiệp chế biến lâm sản |
Những tháng cuối năm 2011, Sở NN-PTNT theo chỉ đạo của UBND tỉnh đã tiến hành kiểm tra lại thủ tục pháp lý - công nghệ chế biến - địa điểm hoạt động và thực tế sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn toàn tỉnh thì “chỉ có 82/420 cơ sở có đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động và được mua hoặc tham gia đấu thầu, đấu giá các nguồn gỗ nguyên liệu của Nhà nước”. Nhưng ngay cả trong 82 cơ sở “đủ điều kiện” này còn có 15 cơ sở phải hoàn thiện thủ tục xây dựng, 9 cơ sở phải hoàn thiện về cam kết bảo vệ môi trường, 7 cơ sở phải đầu tư thêm thiết bị công nghệ. Như vậy, nếu chiếu theo quy định thì cả tỉnh chỉ có 82 cơ sở chế biến gỗ được phép hoạt động sản xuất - chế biến sử dụng gỗ nguyên liệu được Nhà nước cung ứng thông qua đấu thầu, đấu giá, các cơ sở còn lại nếu có hoạt động thì đều đang sử dụng gỗ nguyên liệu không hợp pháp. Tình trạng này hiện đang tồn tại và diễn biến khá phức tạp, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên rừng của địa phương - nhất là ở những vùng rừng giáp ranh. Do vậy, việc quy hoạch lại các cơ sở chế biến lâm sản có vai trò rất quan trọng trong thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Cũng qua kết quả khảo sát của Sở NN-PTNT, mặc dù có số lượng khá lớn, nhưng phần lớn các cơ sở chế biến gỗ hiện nay đều có máy móc, công nghệ rất lạc hậu và thiếu kinh phí đầu tư. Do vậy, sản phẩm gỗ sau chế biến của tỉnh chủ yếu là ván cốt pha dùng trong thi công công trình, những sản phẩm khác chủ yếu mới dừng lại ở mức độ sơ chế và sản phẩm tinh chế (trong đó có cả mặt hàng gỗ mỹ nghệ và hàng gia dụng cao cấp) không nhiều. Việc dừng lại ở việc sản xuất các mặt hàng gỗ cấp thấp như vậy đã làm lãng phí nguồn gỗ nguyên liệu và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các cơ sở chế biến gỗ không cao. Để có thể sử dụng có hiệu quả cao các nguồn nguyên liệu như gỗ tận thu, gỗ khai thác từ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ… thì việc chuyển từ sơ chế sang tinh chế các mặt hàng gỗ, phát triển các mặt hàng từ nguyên liệu ngoài gỗ như tre, lồ ô, mây… đang là chủ trương của UBND tỉnh mà Sở NN-PTNT và các địa phương trong tỉnh đang triển khai và UBND tỉnh mới đây cũng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và các sở ngành liên quan xây dựng Đề án “Chế biến, tiêu thụ gỗ và lâm sản giai đoạn 2012-2020”, từ đó tiến hành quy hoạch lại lĩnh vực kinh tế này.
Đức Hưng