Ba mươi năm thành lập xã cũng là tuổi thọ của 2 chiếc cầu tại thôn 2 và thôn 4 xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Theo thời gian, 2 chiếc cầu này hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển nông sản, đi lại, sản xuất của người dân trong vùng.
Ba mươi năm thành lập xã cũng là tuổi thọ của 2 chiếc cầu tại thôn 2 và thôn 4 xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Theo thời gian, 2 chiếc cầu này hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển nông sản, đi lại, sản xuất của người dân trong vùng.
Chiếc cầu treo tại thôn 2 bắc qua suối Đại Nga, có chiều dài hơn 30 mét. Ngày 23/9/2012, chiếc cầu này đã bất ngờ bị tuột dây néo trụ cầu, làm nghiêng mặt cầu, sập phần bảo vệ 2 bên thân cầu và nguy cơ sụp đổ toàn bộ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo chứng kiến của một số hộ dân, do chiếc cầu đã xuống cấp trong thời gian dài, nên đã có 1 nông dân điều khiển xe máy cày có trọng tải nặng đi qua, mặt cầu chịu lực yếu và trơn trượt, đã bị ngã nhưng rất may là không gây thiệt hại về người và tài sản. Anh Nguyễn Văn Hùng - người dân thôn 2, xã Lộc Ngãi, cho biết: “Sau “sự cố” sụp dây néo, nghiêng mặt cầu, việc lưu thông phải bị ngưng trệ, việc đi lại cũng hết sức khó khăn, đặc biệt là học sinh đến trường trong mùa mưa này!”. Hiện nay, nguồn nước từ thượng lưu đập hồ Cai Bảng đổ về nhiều, phía dưới lòng cầu suối sâu, đá lởm chởm, nước chảy xiết, trong khi toàn bộ phần thân cầu đã bị xuống cấp, việc đi lại của người dân trên chiếc cầu này giờ đây không còn an toàn. “Nó hiện hữu như một “cái bẫy” rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân” - anh Nguyễn Văn Đào, người dân thôn 2 và là nạn nhân, bức xúc nói.
Chiếc cầu treo thôn 2 còn là giao thông huyết mạch giữa thôn 7, thôn 12 của xã Lộc Ngãi với trung tâm huyện Bảo Lâm. Mỗi ngày, trên chiếc cầu này luôn có đến hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại. Phía bên kia đầu cầu thôn 7 và thôn 12 có đến 300 hộ dân sinh sống và hàng ngàn hecta chè và cà phê của bà con nông dân trong vùng. Để vận chuyển được phân bón và nông sản, người dân không còn lựa chọn nào khác là phải chấp nhận nguy hiểm mỗi khi đi qua cầu. Vì, nếu đi đường vòng qua cầu Đan Mạch để vào được khu sản xuất, thì phải mất hơn 20 cây số. Anh Phan Quang Dũng, người dân thôn 2, cho biết: “Do tuổi thọ của chiếc cầu này khá lâu, nên hàng năm vào mùa mưa, bà con đóng góp kinh phí và ngày công lao động để tu sửa, nâng cấp. Hiện tại, 2 trụ chính ở 2 bên mố cầu đã bị mục nát, khả năng chịu lực rất kém, nên không thể sửa chữa được nữa!”.
Chiếc cầu treo tại thôn 4 nối với khu B, thôn 5 và thôn 8 (xã Lộc Ngãi) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hiện nay, toàn bộ phần ván trên mặt cầu đã bị mục nát, nhiều đoạn bị gãy, sụp, tạo thành những cái bẫy rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Sanh - Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi, cho biết: Qua các cuộc họp, người dân đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng xuống cấp của 2 chiếc cầu treo này. Chính quyền địa phương đã lập tờ trình xin kinh phí của tỉnh và UBND huyện Bảo Lâm để nâng cấp, sửa chữa. Trước đây, Công ty Bauxite nhôm Lâm Đồng đã hỗ trợ địa phương toàn bộ khung sắt 2 chiếc cầu. Mỗi bộ khung sắt có chiều rộng 1,2 mét. Tuy nhiên, chiều dài chịu lực lại không đúng với thiết kế, tiêu chuẩn xây dựng. Và sau đó, Sở Kế hoạch Đầu tư của tỉnh cùng với UBND huyện đã hỗ trợ địa phương tận dụng toàn bộ dàn khung của chiếc cầu Bằng Lăng (huyện Đam Rông) có chiều rộng 3 mét, đảm bảo trọng tải cho xe ô tô đi qua, nhưng vẫn không thể triển khai thực hiện được. Vì theo tính toán của các đơn vị thiết kế, nếu đầu tư xây mới cả phần mố cầu và trụ cầu như hiện nay, thì chi phí lên đến 4,5 tỷ đồng. Trong khi điều kiện kinh tế của địa phương còn hạn hẹp. Hiện nay, hàng chục tấn thanh sắt của 3 chiếc cầu đang nằm ngổn ngang trước cổng UBND xã Lộc Ngãi, địa phương cũng đang lo lắng cho khả năng hư hỏng do thời tiết và mất trộm!
Sau sự cố, sụp dây néo cầu treo tại thôn 2 (xã Lộc Ngãi), đến nay, ngành chức năng và chính quyền địa phương của huyện Bảo Lâm vẫn chưa có biện pháp khắc phục, sửa chữa. Nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản của người dân địa phương trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước thực trạng trên, mong rằng ngành chức năng và chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa để việc đi lại, sản xuất của người dân được thuận tiện, nhất là khi mùa thu hoạch cà phê đang đến gần.
QUỐC TUẤN