Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước và lấn chiếm lòng hồ Đan Kia - Suối Vàng

03:10, 10/10/2012

Cùng với việc lấn chiếm lòng hồ, nhiều hộ dân còn “vô tư” xả rác thải vật tư nông nghiệp bừa bãi vào lòng hồ đã gây không ít khó khăn trong việc vận hành nhà máy thuỷ điện, cũng như việc sản xuất nước sạch. Mong rằng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để khắc phục tình trạng này”.

Hồ Đan Kia - Suối Vàng nằm trên địa bàn xã Lát, Lạc Dương, có tổng diện tích 241 ha, với sức chứa khoảng 20 triệu m3 nước. Ban đầu hồ được xây dựng nhằm phục vụ cho Nhà máy Thuỷ điện Ankroet do người Pháp xây dựng. Sau năm 1975, với sự giúp đỡ của Vương quốc Đan Mạch, Nhà máy nước Suối Vàng được hoàn thành năm 1984 với công suất 18.000m3 nước/ngày, sau đó công suất được nâng lên 27.000 m3/ngày. Từ năm 2011, Nhà máy nước Đan Kia 2, công suất 30.000 m3/ngày được Công ty Gelexim, một doanh nghiệp đến từ Tp.Hồ Chí Minh đầu tư đi vào hoạt động, góp phần nâng cao nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt của người dân Đà Lạt.

 Rác thải, vật tư nông nghiệp nổi lềnh bềnh tại hồ Đan Kia - Suối Vàng
Rác thải, vật tư nông nghiệp nổi lềnh bềnh tại hồ Đan Kia - Suối Vàng

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay hiện trạng môi trường rừng, lưu vực, vùng lòng hồ Đan Kia - Suối Vàng được UBND tỉnh giao cho 3 đơn vị quản lý khai thác sử dụng, bao gồm: Thuỷ điện Ankroet thuộc Công ty Điện lực Lâm Đồng, Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Viết Hoà - Quản đốc Nhà máy Thuỷ điện Ankroet cho biết: “Sau khi tiếp quản Nhà máy Thuỷ điện Ankroet, hồ Đan Kia - Suối Vàng có dung tích chứa khoảng 20 triệu m3 nước, nhưng hiện nay qua sản xuất chúng tôi nhận thấy lượng nước trong hồ giảm mạnh ước chỉ còn khoảng 14 triệu m3. Một trong những nguyên nhân chính làm cho lượng nước trong hồ giảm mạnh đó là tình trạng người dân tự ý đổ đất lấn chiếm lòng hồ để sản xuất nông nghiệp diễn ra khá rầm rộ trong thời gian gần đây. Cùng với việc lấn chiếm lòng hồ, nhiều hộ dân còn “vô tư” xả rác thải vật tư nông nghiệp bừa bãi vào lòng hồ đã gây không ít khó khăn trong việc vận hành nhà máy thuỷ điện, cũng như việc sản xuất nước sạch. Mong rằng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để khắc phục tình trạng này”.

Qua thực tế khu vực phía thượng nguồn lòng hồ Đan Kia - Suối Vàng, chúng tôi nhận thấy người dân đang canh tác nông nghiệp có đào taluy ven hồ và san đổ đất đỏ xuống lòng hồ để canh tác, làm cho diện tích lòng hồ nhỏ dần theo thời gian. Bên cạnh việc lấn chiếm lòng hồ để sản xuất, nhiều hộ dân còn xả rác thải, vật tư nông nghiệp như vỏ chai thuốc trừ sâu, túi nilon… gây mất cảnh quan và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành sản xuất kinh doanh của Nhà máy Thuỷ điện Ankroet và 2 nhà máy nước Suối Vàng và Đan Kia 2 - nơi sản xuất cung cấp nguồn nước sinh hoạt của người dân Đà Lạt. Bên cạnh đó, do chủ động đổ đất lấn chiếm lòng hồ để sản xuất canh tác nông nghiệp nên đang trong mùa mưa, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ven hồ của người dân đã bị ngập chìm trong nước nhưng không dám kêu ai. Ông Nguyễn Đăng Hiền - Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng bức xúc: “Thực tế lịch sử để lại là đập, hồ thuỷ điện do Pháp xây dựng từ năm 1945 trải qua nhiều thời kỳ thiết kế vùng lòng hồ và lưu vực nhưng kể từ lúc xây dựng cho đến nay hiện trạng đập hồ không có gì thay đổi, nên những diện tích đất nông nghiệp tác động đến vùng nước là vi phạm lòng hồ”.

Có thể nói, hồ Đan Kia - Suối Vàng là một địa điểm du lịch hấp dẫn với những mặt hồ lãng đãng khói sương đã và đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Đà Lạt - Lâm Đồng. Tuy nhiên, một điều dễ dàng nhận thấy, hiện nay sau những đợt mưa lớn, bùn đất cũng như rác thải nông nghiệp gồm chai lọ, bao bì, túi nilon… từ phía thượng nguồn cuồn cuộn tuôn vào lòng hồ, gây khó khăn trong quá trình sản xuất điện - nước, cũng như gây phản cảm đối với du khách. Việc người dân đổ đất lấn chiếm lòng hồ sản xuất canh tác nông nghiệp đã và đang tiếp tục làm bồi lắng và ô nhiễm nguồn nước tại hồ Đan Kia - Suối Vàng một cách nghiêm trọng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc và kịp thời có biện pháp xử lý, ngăn chặn việc lấn chiếm vùng lòng hồ và môi trường rừng lưu vực hồ, nhằm sớm trả lại những gì vốn có cho hồ Đan Kia - Suối Vàng.

Hồng Hải