UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 05/2012/CT-UBND tỉnh về việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 05/2012/CT-UBND tỉnh về việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Để triển khai thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo (có hiệu lực từ ngày 1/7/2012); Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chỉ thị của UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm chế độ tiếp dân theo quy định, bố trí thời gian để trực tiếp gặp gỡ và đối thoại với dân, lắng nghe dân, thực sự “gần dân, hiểu dân”. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, trách nhiệm của chính quyền; vai trò giám sát của HĐND các cấp, MTTQVN và các tổ chức thành viên trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Coi công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành. Chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc phối hợp với Thanh tra tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan tập trung rà soát, thống kê những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, có kế hoạch cụ thể tập trung giải quyết dứt điểm. Những vụ việc đã có quyết định giải quyết, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật hoặc những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã có ý kiến chỉ đạo của các cơ quan trung ương, của tỉnh, cần tập trung giải quyết khẩn trương, nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan; các vụ việc mới phát sinh phải chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu vướng mắc phải chủ động tìm biện pháp giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền thì kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, không được để vụ việc tồn đọng, kéo dài. Đối với các vụ việc giải quyết sai quy định của pháp luật phải khắc phục ngay nhằm khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Những tổ chức, cá nhân chưa làm tròn trách nhiệm được giao, báo cáo, tham mưu, đề xuất giải quyết khiếu nại, tố cáo không đúng bản chất vụ việc, không đúng quy định của pháp luật dẫn đến công dân khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp… thì phải bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết, cần làm rõ nguyên nhân phát sinh các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, không để công dân khiếu kiện đông người, vượt cấp. Trường hợp người khiếu nại có hoàn cảnh khó khăn thì xem xét, vận dụng chính sách xã hội để có biện pháp giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống. Phải công khai nội dung, quá trình và kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo bằng các hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo, kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc chỉ đạo Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp xảy ra tình trạng công dân đi khiếu kiện vượt cấp thì có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích, đưa công dân về địa phương để giải quyết theo quy định và phải kiểm điểm trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc không chấp hành hoặc chậm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
TS