Không có chuyện người lao động bị nhốt, bị bỏ đói và đánh đập tại Công ty TNHH Dịch vụ môi giới việc làm Đức Hoàng, trụ sở đóng tại thôn Đoàn Kết, xã N’Thôl Hạ (Đức Trọng, Lâm Đồng)…
Không có chuyện người lao động bị nhốt, bị bỏ đói và đánh đập tại Công ty TNHH Dịch vụ môi giới việc làm Đức Hoàng, trụ sở đóng tại thôn Đoàn Kết, xã N’Thôl Hạ (Đức Trọng, Lâm Đồng)…
Đó là khẳng định của Công an huyện Đức Trọng tại buổi làm việc với đoàn công tác của huyện Sông Hinh (Phú Yên) vào chiều 18/10, tại thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng) về nội dung liên quan đến 26 công dân của tỉnh Phú Yên bị lừa đi lao động tại Lâm Đồng.
Cơ quan chức năng xác minh vụ việc tại Công ty Đức Hoàng |
Đội phó Đội xây dựng phong trào, Tổ trưởng Tổ công tác N’Thôl Hạ Công an huyện Đức Trọng Ngô Duy Tần, người trực tiếp được giao quản lý hai cơ sở môi giới việc làm trên địa bàn (cơ sở Đức Hoàng, Tuấn Sơn tại thôn Đoàn Kết), cũng cho biết: Kết quả kiểm tra cơ sở môi giới việc làm Đức Hoàng vào ngày 16/9 vừa qua cho thấy đơn vị này có đủ giấy tờ kinh doanh hợp pháp, và không phát hiện có việc ngược đãi hay đánh đập người lao động. Đến thời điểm này cũng chưa nhận được bất cứ đơn thư nào của người lao động nào tố cáo bị ngược đãi. Chỉ có trước đó, qua theo dõi, kiểm tra, phát hiện cơ sở Đức Hoàng có sai phạm về thủ tục đăng ký lưu trú và sử dụng người lao động không có CMND, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản đề nghị xử lý hành chính.
Vụ việc bắt đầu từ trước đó một tuần, người dân huyện Sông Hinh đã trình báo với cơ quan chức năng địa phương về việc có người thân bị “cò lao động” lừa đưa đến Công ty TNHH Dịch vụ môi giới việc làm Đức Hoàng để làm việc với mức lương cao. Nhưng đến nơi, tất cả đều bị thu hết điện thoại, bị nhốt, bị bỏ đói, bị đánh đập và ép ký hợp đồng lao động với mức lương thấp hơn rất nhiều so với thoả thuận ban đầu. Một số lao động được gia đình chuộc về còn cho biết bị ép làm những công việc nặng nhọc, làm đêm, làm ngày như những lao động khổ sai… Nhiều người không chịu nổi xin về thì bị người sử dụng lao động ép buộc phải hoàn trả toàn bộ chi phí tàu xe, ăn uống, tiền môi giới, trong khi nhiều gia đình hiện không có khả năng chuộc người.
Nhận được báo cáo vụ việc từ chính quyền xã Ea Bia, Công an huyện Sông Hinh đã tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc và xác định có 22 công dân của huyện cùng với 4 người là họ hàng của những công dân địa phương nhưng trú tại huyện Sơn Hoà (Phú Yên) đã bị “cò lao động” đưa đến Công ty Đức Hoàng để tìm việc. Trong số 26 lao động này, 22 người ở xã Ea Bia (Sông Hinh), 4 người ở xã Đức Bình Đông và Suối Trai (Sơn Hoà). Theo người dân, vào những ngày cuối tháng 9, có một số người môi giới việc làm (chưa xác định danh tánh) tự giới thiệu đang ở Đắk Lắk đến xã Ea Bia thuê người làm với mức lương 3,6 triệu đồng/người/tháng, bao ăn ở và mọi chi phí đi lại. Ngày 30/9, những người môi giới này đưa 2 ô tô đến đón 26 lao động trên, thay vì chở đến Đắk Lắk họ đưa thẳng đến Công ty Đức Hoàng, tuy nhiên, tại đây tiền lương chỉ còn 2,3 triệu đồng/người/tháng, trong khi việc làm thì nặng nhọc, làm việc quá giờ so với thoả thuận trong hợp đồng, ăn uống cực khổ nên xin về thì chủ sử dụng lao động yêu cầu phải trả 1,8 triệu đồng/người mới cho về. Đến chiều 18/10, có 23 lao động đã được người nhà chuộc về, còn 3 người gồm hai vợ chồng anh Kpă Y Minh, chị Alê Hờ Đeng và em vợ Kpă Y Châu do gia đình không có khả năng chuộc, cũng không thể liên lạc từ nhiều ngày qua, hiện chưa biết ở đâu.
Tiếp nhận thông tin từ đoàn công tác do Thượng tá Phan Thanh Văn, Phó trưởng Công an huyện Sông Hinh làm trưởng đoàn, ngay trong chiều cùng ngày, Công an huyện Đức Trọng đã đưa đoàn công tác của huyện Sông Hinh đến làm việc trực tiếp với Công ty Đức Hoàng. Tại đây, Công an huyện Đức Trọng tiến hành kiểm tra hồ sơ lưu của doanh nghiệp và xác định được 3 công dân của xã Ea Bia đang làm việc cho gia đình ông Phạm Văn Đức, xã Đạ K’Nàng (Đam Rông, Lâm Đồng).
Ông Cao Ngọc Khoa, Giám đốc Công ty Đức Hoàng cũng khai nhận, từ ngày 28-30/9, đơn vị có tiếp nhận 20 lao động đến từ Sông Hinh và đã tư vấn việc làm, đồng thời đứng ra làm môi giới để người lao động trực tiếp ký hợp đồng với người sử dụng lao động. Nhưng đến chiều 18/10, có 17 trường hợp được gia đình đến đón về nhà, 3 người còn lại là Kpă Y Minh, Alê Hờ Đeng và Kpă Y Châu vẫn đang thu hái cà phê ở xã Đạ K’Nàng, chưa có ý định trở về. Theo ông Khoa, toàn bộ số lao động này đều được ông Nguyễn Văn Nhật (khoảng 36 tuổi, ngụ xã Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định) đưa đến. Ngay sau tiếp nhận, Công ty đã thanh toán cho ông Nhật số tiền tính theo đầu người (500.000đ/người) đây là tiền “hoa hồng” môi giới lao động, và tiền tàu xe (từ 350.000-400.000đ/người) cùng các khoản mà người lao động ứng trước từ ông Nhật để gửi lại nhà. Riêng tiền môi giới (700.000đ/người, trong đó Công ty chỉ được 200.000đ) do người sử dụng lao động chi trả, riêng số tiền người lao động ứng trước (từ 500.000 đến 1 triệu đồng/người) sẽ được trừ vào lương, nhưng với điều kiện thoả thuận trong hợp đồng phải làm từ 3 tháng trở lên, nếu bỏ việc nửa chừng phải chịu toàn bộ các khoản phí trên.
Có được thông tin chính xác, sáng 19/10, Công an huyện Sông Hinh đã nhanh chóng tìm và đưa được 3 trong số 26 lao động còn lại của địa phương đang thu hái cà phê tại xã Đạ K’Nàng về lại quê. Trước khi rời Lâm Đồng, trao đổi qua điện thoại, Thượng tá Phan Thanh Văn cho biết, những lao động này khai trước cơ quan chức năng rằng họ được chủ sử dụng lao động cho ăn ở bình thường, không bị đánh đập hay ngược đãi, tuy nhiên do công việc không phù hợp nên chỉ mong muốn được về nhà nhưng không có số tiền 1,8 triệu đồng để trả cho chủ lao động vì đã phá vỡ hợp đồng. Theo ông Văn, khoản tiền 1,8 triệu đồng chủ lao động đòi là có cơ sở vì đã trả cho công ty môi giới để “mua” lao động và đã có hợp đồng. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này đã có dấu hiệu lừa đảo trong quá trình tuyển dụng lao động, nhân viên của Công ty Môi giới lao động Đức Hoàng đã bắt tay với “cò lao động” lừa đảo người dân, việc này người lao động cũng như chủ lao động có thể kiện ra toà để yêu cầu Công ty Đức Hoàng thanh toán khoản tiền này.
Thụy Trang