Đến đầu tháng 10 này, Dự án Bảo tồn loài vượn đen má vàng vùng Nam Trường Sơn do WWF tài trợ đã kết thúc. Xem ra, việc “bảo tồn” chỉ mới đi được chặng đường đầu với những kết quả còn đang “bỏ ngỏ” thì dự án đã sớm kết thúc nên tái nguy cơ tuyệt chủng loài vượn đen má vàng cũng là điều dễ hiểu.
Đến đầu tháng 10 này, Dự án Bảo tồn loài vượn đen má vàng vùng Nam Trường Sơn do WWF tài trợ đã kết thúc. Xem ra, việc “bảo tồn” chỉ mới đi được chặng đường đầu (trong hành trình dài bảo tồn một loài động vật quý hiếm của VN) với những kết quả còn đang “bỏ ngỏ” thì dự án đã sớm kết thúc nên tái nguy cơ tuyệt chủng loài vượn đen má vàng cũng là điều dễ hiểu.
Vượn đen má vàng phương nam - một trong 6 loài vượn còn lại của VN có nguy cơ tuyệt chủng (ảnh: Nguyễn Thị Liên Thương). |
Vượn đen má vàng ở VQG Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) là vượn đen má vàng phương nam (Nomascus gabrillae) - một trong 6 loài vượn còn lại của VN. Trong báo cáo “Hiện trạng bảo tồn các loài vượn Việt Nam” do Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) và Tổ chức Bảo tồn quốc tế (CI) trình bày mới đây (sau hơn 10 năm nghiên cứu loài động vật hoang dã này ở VN) đã đưa ra cảnh báo: Nếu không có sự can thiệp bảo tồn kịp thời của con người thì sự tuyệt chủng của cả 6 loài vượn còn lại ở VN sẽ đến rất gần. Với loài vượn đen má vàng phương nam ở VQG Bidoup Núi Bà, số phận của chúng càng không sáng sủa khi dự án bảo tồn do WWF tài trợ vừa kết thúc.
Trong bộ linh trưởng ở VQG Bidoup Núi Bà, họ vượn là họ duy nhất trong ba họ đang tồn tại. Trong họ vượn tại đây, chỉ duy nhất loài vượn đen má vàng (gọi là vượn đen má vàng phương nam, khác với loài vượn đen má vàng phương bắc - Nomascus annammensis) là còn tồn tại. Ông Lê Văn Hương, GĐ VQG Bidoup Núi Bà, cho biết: “Đây là một trong 208 loài động vật đã được ghi nhận tại Vườn. Và, loài vượn đen má vàng phương nam này được xếp vào hạng động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, cấm khai thác, sử dụng - nhóm IB”.
Đầu năm 2010, Quỹ quốc tế Bảo vệ động vật và thiên nhiên hoang dã (WWF) bắt đầu triển khai tại VQG Bidoup Núi Bà một dự án về bảo tồn loài vượn đen má vàng phương nam vùng cảnh quan Nam Trường Sơn. Ông Phạm Trọng Nhân - điều phối viên Dự án - cho biết: “Mục tiêu của Dự án đặt ra là nâng cao năng lực cho đội ngũ kiểm lâm, thiết lập hệ thống quản lý và bảo tồn trong khu rừng đặc dụng, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương… Trong quá trình triển khai, kết quả mang lại là đã rõ. Tuy nhiên, đến lúc này - đầu tháng 10/2012, khi dự án đã kết thúc thì nguy cơ bị xâm phạm của đàn vượn đen má vàng duy nhất ở VQG Bidoup Núi Bà lại bắt đầu hiện hữu”. Trước 2010, khi chưa có sự can thiệp của WWF, người ta chỉ biết một cách chung chung rằng ở VQG Bidoup Núi Bà (khu vực núi Bidoup thuộc địa phận hành chính huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đang hiện hữu một loài vượn gọi là vượn đen má vàng. Đến khi dự án được triển khai, cuối năm 2011, những thông tin về quần thể vượn duy nhất ở rừng Bidoup đã được đưa ra một cách cụ thể hơn nhờ vào kết quả điều tra của các chuyên gia WWF: Trong khu vực rừng rộng khoảng 6.000 ha thuộc VQG Bidoup Núi Bà có 7 đàn vượn, mỗi đàn có từ 2 - 4 con. Kết quả của các chuyến khảo sát do WWF thực hiện tại VQG Bidoup Núi Bà cũng nêu: Trước kia, đàn vượn về rất gần với buôn làng (trong vùng, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là chủ yếu). Buổi sáng, người ta chỉ vừa mở mắt ra là đã nghe tiếng vượn hót. Nay, muốn nghe tiếng vượn hót phải vào thật sâu trong rừng già. “Điều đó cho thấy môi trường sống của vượn đã có sự thay đổi lớn theo hướng bất lợi. Do đó, để bảo tồn tốt loài vượn đen má vàng quý hiếm này, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ” - ông Phạm Trọng Nhân phát biểu.
Xét trong toàn cục, vượn đen má vàng phương nam ở Bidoup Núi Bà có lợi thế là nằm trong tổng thể của sự đa dạng sinh học cả vùng Nam Trường Sơn với nhiều loài động vật quý hiếm như bò tót (Bos gaurus), voi (Elephas), hổ (Panthera tigris)… Đồng thời, còn có một lợi thế khác nữa là, khu vực sinh sống của loài động vật hoang dã quý hiếm này được bao bọc bởi hệ sinh thái đặc trưng của các VQG xung quanh như Chư Yang Sin (Đắc Lắc), Phước Bình (Ninh Thuận), Cát Tiên (Lâm Đồng), Bù Gia Mập (Bình Phước)… Trong các loài động vật quý hiếm đang tồn tại trong hệ sinh thái Nam Trường Sơn nói riêng và cả khu vực phía nam nói chung thì với họ vượn chỉ có một loài (trong 3 họ thuộc bộ linh trưởng) duy nhất là vượn đen má vàng phương nam. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, lợi thế của loài vượn này cũng chính là… bất lợi: “Bầy vượn đen má vàng có không gian sinh tồn rộng lớn từ Bidoup đến Chư Yang Sin, Phước Bình… rồi đến tận Bù Gia Mập nhưng những họng súng săn nhắm vào hổ, bò tót, voi… của kẻ gian cũng sẽ không khước từ khi nhắm vào những con vượn đen má vàng” - ông Nhân nhấn mạnh.
Khắc Dũng