“Góp lửa” cho bếp ăn từ thiện

03:10, 25/10/2012

Để bếp ăn từ thiện Bệnh viện II Lâm Đồng ra đời và hoạt động hiệu quả trong suốt 8 năm qua, không thể không kể đến đóng góp của Ban Từ thiện Phước Tâm TP. Hồ Chí Minh.

8 năm qua, bếp ăn từ thiện Bệnh viện II Lâm Đồng đã quyên góp được hơn 901 triệu đồng; 7,4 tấn cá; 15,4 tấn rau các loại;10.651 kg gạo, 2.700 thùng nước uống tinh khiết … nấu 163.903 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, giúp họ có thêm sức mạnh để chiến thắng bệnh tật.

Các tình nguyện viên đang chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân
Các tình nguyện viên đang chuẩn bị bữa ăn cho bệnh nhân


Nơi gặp gỡ của những tấm lòng vàng

Để bếp ăn từ thiện Bệnh viện II Lâm Đồng ra đời và hoạt động hiệu quả trong suốt 8 năm qua, không thể không kể đến đóng góp của Ban Từ thiện Phước Tâm TP. Hồ Chí Minh. Chính Ban từ thiện này đã góp sức cùng Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng đặt những viên gạch đầu tiên, xây nên một bếp ăn tình thương dành cho người nghèo tại thành phố Bảo Lộc. Số tiền ban đầu Ban từ thiện Phước Tâm trao cho bếp ăn là 120 triệu đồng.

“Trong những lần đi phát quà cho bà con ở vùng sâu vùng xa, chúng tôi thấy rất nhiều hoàn cảnh thương tâm, mặc dù bị bệnh tật nhưng họ không đủ tiền để chữa bệnh, thiếu thốn đủ thứ. Từ đó, chúng tôi muốn làm một việc gì đó để giúp người dân vơi đi nỗi khó khăn giúp họ vươn lên chiến thắng với bệnh tật. Đó là lý do chúng tôi góp sức xâydựng 2 bếp ăn từ thiện tại Lâm Đồng trong những năm qua, nâng tổng số bếp ăn từ thiện mà chúng tôi xây dựng trong cả nước lên 25 bếp” - cô Lê Thị Phương Dung, Trưởng Ban Từ thiện Phước Tâm cho biết về ý tưởng thành lập bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo.

Cùng đó, bếp ăn còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Người giúp tiền, người giúp công… mỗi người một chút, đang từng ngày âm thầm và lặng lẽ mang đến cho từng bệnh nhân nghèo và cả người nhà của họ những bữa cơm thấm đẫm tình người. Đó là bác Bùi Thị Tho (70 tuổi, là tiểu thương chợ Bảo Lộc), người mà 8 năm qua, đều đặn mỗi ngày, lúc thì vận động bà con tiểu thương góp rau, góp cá, góp thịt… nếu vận động không đủ số lượng mà bếp ăn cần để cung cấp khoảng 100 suất ăn cho mỗi bữa, bác lại tự bỏ tiền túi ra mua thực phẩm mang vào cho bếp. “Những việc tôi làm còn nhỏ bé lắm, chẳng thấm vào đâu. Với tôi, giúp được cho người khác thật sự là niềm vui”.  Và người giúp bác Tho chuyên chở những thực phẩm quyên góp được từ chợ vào cho bếp ăn là cô Vũ Thị Tươi (phường Lộc Tiến). Cũng 8 năm qua, dù nắng hay mưa, cô vẫn đều đặn làm công việc này. “Lúc đầu, chở khoảng 20 kg thực phẩn thôi tôi  đã thấy khó, nhưng giờ, chở một lần cả tạ rau, củ, tôi vẫn thấy bình thường. Có lẽ trời thương mình, thương những người nghèo nên giúp cho tôi sức khoẻ”- cô Tươi vui vẻ cho biết.

Đó còn là cô Hoa, cô Kỳ, cô Thu Thương, cô Tha là những người trực tiếp đứng bếp và các tình nguyện viên của phường Lộc Tiến cũng đã gắn bó với bếp ăn này ngay từ những ngày đầu thành lập, luôn nhiệt tình với công việc, sao cho các bệnh nhân nghèo luôn có bữa cơm đúng giờ, khẩu phần ăn phong phú và đầy đủ chất dinh dưỡng.

Hạnh phúc của bệnh nhân nghèo

10 giờ sáng, bệnh nhân và người nhà lần lượt xuống lấy cơm. Khuôn mặt ai cũng tươi cười, dẫu những bộn bề lo toan vẫn còn vương lại đâu đó. Chị Dung, nhà ở Đạ Tẻh cho biết, chị chăm con gái đang điều trị tại Khoa tai - mũi - họng cả tuần nay. Ngày nào chị cũng được khoa phát phiếu xuống đây nhận cơm miễn phí. Với chị, đó thật sự là niềm vui không thể nào tả xiết, bởi, gia đình chị nghèo lắm, nên được ăn ngày 2 bữa cơm thế này, mẹ con chị đã có thêm tiền để đóng viện phí cho con. “Cơm ở đây rất ngon, chẳng bữa nào giống bữa nào, chẳng bù cho ở nhà, vợ chồng con cái mình chỉ ngày 2 bữa cơm rau qua ngày thôi” - Chị Dung thật lòng chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Nghị, nhà ở Đạ Huoai cho biết, anh nuôi vợ bị gãy chân đang nằm điều trị tại bệnh viện cả tháng nay. Và cũng chừng đấy thời gian, anh và vợ được ăn cơm từ thiện của bệnh viện. Anh xúc động cho biết: “Tôi thật lòng cảm ơn bệnh viện, cảm ơn các chị ở bếp ăn từ thiện đã cho vợ chồng tôi và những  bệnh nhân nghèo ngày 2 bữa cơm, canh nóng sốt. Nếu không có những bữa ăn như thế này, chẳng biết vợ chồng tôi sẽ ra sao…” - nói tới đây, giọng anh nghẹn lại.

Càng về trưa, bếp ăn càng trở nên tấp nập. Các tình nguyện viên, mỗi người một việc, người lấy cơm, người múc canh… sao cho những suất ăn đến tay người bệnh trong thời gian sớm nhất.  Rồi khi bữa cơm trưa kết thúc, cũng là lúc các chị lại xắn tay lo cho bữa cơm chiều…

Thy Vũ