Để có nước dùng cho sinh hoạt, hàng ngày người dân nơi đây phải cực nhọc, lặn lội vài cây số để gánh, gùi nước suối (không đảm bảo vệ sinh) về sử dụng.
Đã gần 4 năm nay, hàng chục vòi cấp nước sinh hoạt công cộng ở xã Đạ Tông (huyện Đam Rông) đã không còn tự chảy như tên gọi của nó. Công trình cấp nước ở đây được đầu tư kinh phí hàng trăm triệu đồng, nhưng hầu hết các vòi nước đã bị hoen rỉ, mất van, khô khốc nằm phơi giữa mưa nắng. Để có nước dùng cho sinh hoạt, hàng ngày người dân nơi đây phải cực nhọc, lặn lội vài cây số để gánh, gùi nước suối (không đảm bảo vệ sinh) về sử dụng.
Nhiều trụ không có nước |
Công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy ở thôn Đạ Nhinh 1, Đạ Nhinh 2 (xã Đạ Tông) được xây dựng từ năm 2004, với tổng kinh phí 400 triệu đồng từ nguồn vốn 134 của Chính phủ, do Phòng NN&PTNT huyện Lạc Dương làm chủ đầu tư. Các hạng mục của công trình bao gồm: 3 bể chứa, 1 bể lọc, hơn 2 km đường ống dẫn nước và 13 trụ vòi cấp nước sinh hoạt cho 130 hộ dân ở 2 thôn nói trên. Năm 2005, huyện Đam Rông được thành lập, công trình này đã được bàn giao cho Trạm thủy nông huyện quản lý, khai thác và vận hành. Khi người dân chưa tận hưởng hết cảm giác lần đầu tiên có nước dẫn về tận cửa nhà để sinh hoạt, thì hệ thống cung cấp nước này đã phát… “bệnh”! Bởi chỉ 3 năm sau ngày cắt băng khánh thành, các vòi nước ở một số điểm đã bị tắc, chỗ có nước chảy thì đục ngầu không thể dùng để tắm giặt hay ăn uống được. Và từ đầu năm 2009 đến nay, công trình này đã không còn hoạt động. Tại đập dâng đầu nguồn, tất cả các bể chứa, bể lọc đã bị đất cát, cỏ dại phủ um tùm, đường ống dẫn nước cũng đã bị một số người dân thiếu ý thức tháo dỡ về bán phế liệu.
Ông Hoàng Văn Hà - Trạm trưởng Trạm thủy nông huyện Đam Rông (đơn vị trực tiếp quản lý công trình), cho biết: Thiết kế ban đầu của công trình chưa chuẩn về các thông số, chi tiết kỹ thuật. Các bể chứa, bể lọc đều thấp hơn so với mực nước, thêm vào đó lại không lắp đặt hệ thống lọc rác và bùn đất, nên khi nước từ đầu nguồn chảy vào bể chứa mang theo bùn đất đã làm tắc nghẽn đường ống dẫn. Bên cạnh đó, ý thức sử dụng của người dân còn thấp, đường ống dẫn nước chảy qua ruộng bị đục khoét, làm giảm áp suất. Tại các trụ công cộng còn bị nhiều người tháo vòi, gây thiệt hại rất lớn.
Từ khi công trình nước sinh hoạt tự chảy ngưng chảy, hàng ngày, người dân ở đây đều phải ra suối Đạ Tông (cách vài cây số) để gùi nước về sử dụng. Nhưng nguồn nước ở con suối này, nếu được nhìn thấy tận mắt, thì chẳng ai dám thử dùng, dù chỉ để tắm giặt. Bởi, phía đầu nguồn vốn là bãi chăn thả gia súc và đất canh tác lúa nước của người dân bản địa. Mỗi khi mưa về, hàng tấn chất thải của gia súc, hóa chất của thuốc bảo vệ thực vật đều đổ dồn xuống suối. Thêm vào đó, con suối này còn hứng chịu chất thải của những hộ dân sống hai bên bờ suối cũng như dầu mỡ máy móc của công trình thủy điện Đắc Mê thải ra. "Ngày nào tôi cũng phải đi gần 2 km để gùi 50 - 60 lít nước suối về cho 6 người trong gia đình sử dụng. Khổ nhất là mùa mưa, đường ra suối trơn trượt té ngã rất khổ. Cũng biết là nước suối bẩn, không an toàn cho sức khỏe của gia đình và bà con trong buôn, nhưng vẫn phải dùng vì chẳng còn nguồn nước nào khác!" - chị Kon Yông K' Póh, thôn Đạ Nhinh 1, than thở.
Để khắc phục tình trạng trên, Trạm thủy nông huyện đã làm tờ trình xin UBND huyện Đam Rông kinh phí tu bổ, nâng cấp công trình để tạo điều kiện cho người dân có nước để dùng. Tuy thế, chẳng biết khi nào mới được cấp vốn. Thời gian chờ đợi đồng nghĩa với từng ngày người dân nghèo nơi đây đang phải "rót" vào người nguồn nước bẩn từ con suối Đạ Tông.
LINH ĐAN