Rác và xử lý rác thải ở Di Linh

03:10, 18/10/2012

Rác và vấn đề xử lý rác thải ở huyện Di Linh đã được đặt ra trên bàn nghị sự lâu nay, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa ngã ngũ, huyện vẫn chưa đưa ra được một giải pháp nào để thực thi!

Rác và vấn đề xử lý rác thải ở huyện Di Linh đã được đặt ra trên bàn nghị sự lâu nay, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa ngã ngũ, huyện vẫn chưa đưa ra được một giải pháp nào để thực thi!

Rác thải gây ô nhiễm tại cầu La Òn (Hòa Bắc)
Rác thải gây ô nhiễm tại cầu La Òn (Hòa Bắc)


Thực tế nhức nhối

Di Linh là huyện có lịch sử hình thành khá lâu, nhưng mãi đến khoảng thời gian sau năm 1990, mới có một đội ngũ chuyên thu gom rác và bãi rác tập trung đầu tiên cũng được “ra đời” từ đó. Bãi rác tọa lạc tại xã Gung Ré, ở vị trí Km 85, cách Quốc lộ 28 chỉ 30 mét và cách trung tâm huyện lỵ Di Linh chừng 13 km. Đã ngót 20 năm nay, trên một bãi chứa chỉ với diện tích 0,6 ha, nay rác đã “quá tải” và hiện để lại một không gian bị ô nhiễm và mất mỹ quan. Đó là chưa nói đến vị trí bãi rác đang hiện hữu ở đầu nguồn một con suối. Giá như chưa được “đóng cửa” và chỉ với mức độ thu gom 30 tấn rác/1 ngày như hiện nay, thì chẳng bao lâu nữa, bãi rác sẽ… “tiến” ra sát Quốc lộ 28!

Trách nhiệm thu gom rác thuộc về Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng (QL-KTCTCC) huyện Di Linh. Anh Bùi Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm QL-KTCTCC huyện, cũng đang “nhức đầu” khi trao đổi với chúng tôi chung quanh vấn đề rác và biện pháp xử lý. Theo lời anh Thảo: “Toàn huyện có 19 xã và thị trấn, nhưng hiện tại, Trung tâm đang tổ chức thu gom rác ở thị trấn Di Linh và các xã Liên Đầm, Đinh Trang Hòa, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Trung, Hòa nam, Đinh Lạc, Gia Hiệp, Gung Ré. Tuy vậy, chỉ có thị trấn Di Linh là địa bàn chính, thu gom đều khắp các tổ dân phố; còn các xã chỉ mới thu gom dọc trục đường chính và các chợ. Trung tâm hiện chỉ có 3 chiếc xe chuyên dùng. Mỗi ngày thu gom 15-16 chuyến, khoảng 30 tấn rác. Đáng tiếc là ở thị trấn Di Linh, hiện nay có 4.357 hộ, nhưng chỉ mới có 2.237 hộ (chiếm hơn 50%) tham gia đóng lệ phí và gom rác bỏ trước nhà để chờ xe đến thu gom theo lịch”.

Như thế, lượng rác thải mỗi ngày trên địa bàn huyện Di Linh không phải là nhỏ, trong khi lượng rác được thu gom về bãi tập trung còn quá “khiêm tốn”! Vậy, số rác thải còn lại nó “đi đâu, về đâu?”.

Giải pháp vẫn còn... trên giấy

Không chỉ ở thị trấn Di Linh mà hiện nay các xã trong huyện đều bức xúc trước yêu cầu thu gom rác để giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường. Đơn cử, tại xã Hòa Bắc, các thôn ở khu vực trung tâm (thôn 7, 8, 5, 1, 2…) do chưa có bãi rác tập trung và xã chưa có điều kiện tổ chức thu gom rác, không ít bà con thiếu ý thức đã xả rác bừa bãi tại khu vực đầu cầu và suối La Òn (thôn 13), khu vực đầu cầu và suối Công Ca (thôn 1 và 2) gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước. Trước thực trạng rác thải nói trên, huyện Di Linh đã nỗ lực tìm kiếm “đối tác” và cách đây 2 năm đã có 1 doanh nghiệp đến đăng ký, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại thôn 3 (xã Gia Hiệp). Doanh nghiệp này đã tổ chức lễ “động thổ” khởi công, nhưng chỉ dừng lại ở đó, Dự án không được tiếp tục triển khai. UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi Dự án này.

Khi Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại thôn 3 (xã Gia Hiệp) không khả thi, UBND huyện Di Linh tiếp tục quy hoạch xây dựng 2 bãi rác mới: 1 bãi tại xã Gung Ré (2,5 ha) và 1 bãi tại xã Hòa Bắc (4 ha). UBND huyện đã lập “tờ trình” xin chủ trương của UBND tỉnh. Ngày 27/7/2012, UBND tỉnh đã có Công văn số 3921/UBND-ĐC, ghi rõ: “Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở Xây dựng xem xét sự phù hợp về vị trí, qui mô, công suất và công nghệ lựa chọn đầu tư xử lý rác thải. UBND huyện Di Linh xem xét khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách để thực hiện 2 dự án xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn tại xã Gung Ré và xã Hòa Bắc. Vì vậy, tạm thời UBND tỉnh chưa xem xét, giải quyết hồ sơ giao đất để xây dựng các dự án nêu trên”.

Ngoài việc qui hoạch 2 bãi rác mới tại xã Gung Ré và xã Hòa Bắc, huyện Di Linh còn quy hoạch thêm 1 bãi rác mới tại xã Tân Lâm (khu vực giáp xã Đinh Trang Thượng) để thu gom và xử lý rác thải các xã lân cận ở khu vực này. Tuy nhiên, hiện nay tất cả vẫn đang còn... “nằm” trên giấy!

Bùi Trưởng