Sạt lở sông Đồng Nai ảnh hưởng cuộc sống người dân

12:10, 13/10/2012

(LĐ online) - Hiện tại, đoạn bờ sông Đồng Nai qua địa bàn thôn Phước Sơn (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên) vẫn tiếp tục sạt lở và lấn sâu vào đường dân sinh. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thường nhật và giao thông đi lại của bà con trong vùng.

(LĐ online) - Hiện tại, đoạn bờ sông Đồng Nai qua địa bàn thôn Phước Sơn (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên) vẫn tiếp tục sạt lở và lấn sâu vào đường dân sinh. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thường nhật và giao thông đi lại của bà con trong vùng.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2012, đoạn bờ sông này đã bị sạt lở khiến đất bị sụt lún xuống lòng sông Đồng Nai gây tắc dòng chảy và hất tung một tàu đang hút cát lên bờ. Rất may sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng nhiều diện tích đất sản xuất, đất ở và cây trồng của người dân bị thiệt hại nặng. Ông Đoàn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2, cho biết: “Gần 1 ha đất đã bị sụt lún, trong đó cả phần đường ĐT 721 cũng bị sạt lở. Có 3 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp cho sinh hoạt và sản xuất. Đến hiện tại, huyện đã hỗ trợ cho 3 hộ dân này số tiền 8 triệu đồng/ hộ nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên các hộ vẫn chưa di dời khỏi vùng sạt lở. Điều này không an toàn cho tính mạng và tài sản trong mùa mưa lũ”.
 

Trụ điện sạt xuống sông, dây diện sà trên đường rất nguy hiểm
Trụ điện sạt xuống sông, dây diện sà trên đường rất nguy hiểm

Gia đình ông Nguyễn Minh Hồng là hộ ở rất gần vị trí sạt lở nhất. Vách nhà ông chỉ các điểm sạt 9m và nằm trên bờ vực sâu đến 6m rất nguy hiểm. UBND xã đã nhiều lần đến nhà ông Hồng để vận động đi dời nhưng không thành. Ông Hồng cho biết hiện cả gia đình 7 người nhưng chỉ có 2 lao động chính và phải nuôi 4 con ăn học. Ngoài ra, gia đình còn nợ ngân hàng gần 100 triệu đồng nên không có tiền mua đất ở vị trí mới để di dời. Biết là nguy hiểm nhưng cả gia đình vẫn phải bám trụ chứ chẳng biết đi đâu.

Nguyên nhân sạt lở bờ sông tại thôn Phước Sơn đã được UBND huyện Cát Tiên xác định là do tàu hút cát (do tỉnh Bình Phước cấp phép) gây ra. Về phía tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị tỉnh Bình Phước thu hồi giấy phép của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc khắc phục tình trạng sạt lở, đảm bảo cuộc sống dân sinh đến nay vẫn chưa thực hiện. Ngay khu vực sạt lở hiện chỉ có tấm biển cảnh báo sơ xài và vài cọc rào chắn. Trong khi đó, phần sạt lở ngày càng lấn sâu vào giữa đường dân sinh. Một trụ điện trên con đường này đã sạt xuống sông để lại dây diện sà xuống mặt đường rất nguy hiểm.

Một người dân phản ánh: Hàng ngày, người dân, đặc biệt là các em học sinh, đi qua đoạn đường này cứ nơm nớp lo sợ vì đường có thể sụt xuống sông bất cứ khi nào. Ngoài ra, còn có 2 trụ điện đường dây trung hạ thế nằm sát vị trí sạt lở có thể ngã đổ bất cứ lúc nào. Đã hơn nửa năm kể từ khi việc sạt lở xảy ra nhưng vẫn chưa thấy khắc phục mà chỉ cắm vài cọc tre cảnh báo qua loa.

Để đảm bảo cho các hộ bị ảnh hưởng có điều kiện di dời, UBND xã Phước Cát 2 đã kiến nghị huyện có chính sách cho các hộ này vay vốn ưu đãi. Đồng thời, xã cũng đã kiến nghị ngưng khai thác cát trên sông Đồng Nai tại khu vực này để đảm bảo an toàn tính mạng, nhà cửa và đất sản xuất của người dân. Theo UBND xã Phước Cát, khu vực sông Đồng Nai qua thôn Phước Sơn do một số doanh nghiệp của tỉnh Bình Phước hút cát từ năm 1994 đến nay. Nếu tiếp tục kéo dài việc khai thác cát thì nguy cơ sạt lở các khu vực còn lại trên địa bàn thôn Phước Sơn chắc chắn sẽ xảy ra không sớm thì muộn. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, cách điểm sạt lở hiện tại không xa, nhiều tàu hút cát vẫn ung dung hoạt động, bất chấp cuộc sống người dân bị đe doạ.

Huyện Cát Tiên hiện có 10 tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát trên sông Đồng Nai với 14 giấy phép và 30 tàu khai thác trên địa bàn các xã Phước Cát 1, Phước Cát 2, Đức Phổ, Phù Mỹ, Quảng Ngãi và thị trấn Đồng Nai. Việc hút cát trên sông Đồng Nai đã làm thay đổi dòng chảy, gây sói mòn và sạt lở bờ sông tại nhiều khu vực. Hiện, UBND huyện Cát Tiên đang xây dựng kế hoạch, lộ trình hướng đến chấm dứt khai thác cát. Ngoài mục tiêu hướng đến khai thác dòng sông để phát triển du lịch, việc ngưng khai thác cát này còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống dân sinh.

ĐÔNG ANH