Công an thành phố Đà Lạt vừa phá một vụ án trồng cây có chất ma túy ngay giữa lòng thành phố với 150 cây cần sa được trồng phát triển cao trên 1,5m, đã có dấu hiệu thu hoạch được phát hiện và nhổ bỏ. Đây cũng là cảnh báo việc cây có chất ma túy đang dần len lỏi, xâm nhập tại Lâm Đồng và diễn biến hết sức phức tạp.
Công an thành phố Đà Lạt vừa phá một vụ án trồng cây có chất ma túy ngay giữa lòng thành phố với 150 cây cần sa được trồng phát triển cao trên 1,5m, đã có dấu hiệu thu hoạch được phát hiện và nhổ bỏ. Đây cũng là cảnh báo việc cây có chất ma túy đang dần len lỏi, xâm nhập tại Lâm Đồng và diễn biến hết sức phức tạp.
Phá bỏ cây cần sa |
Tại rẫy của một gia đình thuộc xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm xuất hiện những đám cây lạ. Đây là rẫy nằm khá sâu, xa khu dân cư và lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Rẫy được một số đối tượng thuê để canh tác như nhiều trường hợp khác nhưng thay vì trồng cà phê, trồng chè, các đối tượng này trồng cần sa với mục đích bán cho người nghiện ma túy. Khi được tin báo của người dân, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện vườn trồng cần sa gần 700 cây, trong đó có trên 300 cây đang trong giai đoạn ươm bầu chuẩn bị trồng xuống đất. Các đối tượng bị bắt khai nhận từ Định Quán, Đồng Nai lên thuê đất để trồng cần sa với số lượng lớn bán cho người nghiện. Đây là một trong số những vụ trồng cần sa nổi cộm trong năm 2012 được lực lượng chức năng giải quyết.
Ông Phan Minh Sơn, cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, thời gian gần đây Lâm Đồng đứng trước hiện trạng trồng cần sa khá phức tạp. Nếu cả năm 2011, toàn tỉnh chỉ phát hiện 750 cây thì 10 tháng đầu năm 2012 là gần 1.800 cây, tập trung tại địa bàn Lâm Hà, Bảo Lâm và Di Linh. Cây cần sa là loại cây cung cấp chất gây nghiện cho người nghiện, dễ trồng, chỉ cần gieo hạt và tốn ít công chăm sóc, đồng thời rất khó phát hiện nên nhiều người vẫn trồng dù biết là vi phạm pháp luật. Với đặc thù là địa phương nông nghiệp có nhiều diện tích canh tác nằm xa nơi dân cư sinh sống, nhiều đối tượng đã lợi dụng thuê đất để trồng cần sa là vấn đề mới nảy sinh tại Lâm Đồng và rất khó kiểm soát.
Để giải quyết hiện trạng cây cần sa len lỏi tại Lâm Đồng, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm ma túy - Công an tỉnh Lâm Đồng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền tới người dân để hiểu, nhận biết và xóa bỏ việc trồng, tái trồng cây cần sa. 10 xã “trọng điểm” về trồng cần sa được tuyên truyền thường xuyên và có nhiều biện pháp giúp cư dân tìm hướng canh tác loại cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao. Ông Phan Minh Sơn cho biết: “Thực tế cây cần sa có hình thức rất khó bị phát hiện. Các đối tượng lại thường trồng xen giữa các loại hoa màu khác ở vùng xa khu dân cư nên lực lượng chức năng khó kiểm soát. Chủ yếu chúng tôi nắm được thông tin từ chính người dân địa phương”. Chính vì vậy, mỗi đợt tuyên truyền, người dân không chỉ được xem hình ảnh, băng đĩa, tài liệu mà được trực tiếp cầm nắm cây cần sa tươi. Vì vậy, khi có đối tượng trồng cần sa, người dân sẽ biết và báo thông tin tới cơ quan chức năng.
Việc hỗ trợ người dân trồng cây cần sa chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng cũng là một trong những hoạt động giúp xóa bỏ cây cần sa một cách bền vững. Một số mô hình cho thấy hiệu quả tốt như nuôi gà thả vườn ở Lâm Hà, nuôi “heo đen” địa phương ở Bảo Lâm… Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên cư dân hưởng lợi còn khá ít. Biện pháp chủ yếu hiện vẫn là công tác tuyên truyền, vận động người dân và giám sát, kiểm tra từ các cơ quan chức năng.
Cây cần sa là hiểm họa thực sự với cư dân địa phương và toàn thể cộng đồng. Lâm Đồng trong thời gian tới sẽ phải cố gắng rất nhiều để xóa bỏ cây cần sa, giúp cư dân có cuộc sống bình yên, không bị đe dọa bởi việc trồng và sử dụng cây có chất ma túy.
Diệp Quỳnh