Nâng cao chất lượng chi trả để tạo thuận lợi cho người thụ hưởng

04:12, 09/12/2012

Từ hơn 1 năm nay, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đã được thực hiện qua hệ thống bưu điện. Để gạt bỏ dần những nghi ngại ban đầu về cách triển khai mới này, những cơ quan trong cuộc đã có nhiều nỗ lực, cải tiến cách thức làm việc. Gần đây, trợ cấp bảo trợ xã hội cũng đã được thực hiện qua hệ thống bưu điện.

Từ hơn 1 năm nay, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đã được thực hiện qua hệ thống bưu điện. Để gạt bỏ dần những nghi ngại ban đầu về cách triển khai mới này, những cơ quan trong cuộc đã có nhiều nỗ lực, cải tiến cách thức làm việc. Gần đây, trợ cấp bảo trợ xã hội cũng đã được thực hiện qua hệ thống bưu điện.

Là người đã nhận lương hưu từ hơn 20 năm nay, bác Hoàng Trọng Cường (số nhà 49/6 đường Phạm Hồng Thái, phường 10, Đà Lạt) nhận xét rằng sau hơn 1 năm nhận lương qua bưu điện, đến nay, người nhận cảm thấy thuận tiện hơn nhiều. Trước đây, tiền lương được tổ trưởng đến phát tận nhà, khi chuyển sang hình thức bưu điện trả lương, người nhận ban đầu có phần ái ngại vì phải di chuyển tới điểm chi trả và làm thủ tục nhận lương hưu. Tuy vậy, với nghiệp vụ của hệ thống bưu điện ngày càng được cải thiện,  nhân viên làm việc tại một địa điểm dần quen thuộc với người nhận, do đó người thụ hưởng đã có thể hoàn thành các thao tác nhanh chóng, không mất thời gian chờ đợi và thái độ của các nhân viên khá nhiệt tình, chu đáo.

Từ tháng 9/2011, hình thức chi trả mới này bắt đầu được triển khai tại tỉnh Lâm Đồng và Lâm Đồng là 1 trong 4 địa phương thực hiện thí điểm trên toàn quốc. Trong 4 tháng đầu, hệ thống bưu điện tiếp nhận các điểm chi trả do cơ quan bảo hiểm xã hội trước đó chi trả, sau thời gian đầu vận hành, từ đầu năm 2012, bưu điện tiếp tục tiếp nhận các điểm chi trả còn lại do đại diện phường/xã chi trả.

Ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Bưu điện Lâm Đồng cho biết, các công tác như: quản lý người hưởng, tổ chức chi trả, an toàn tiền mặt, thanh quyết toán… đã được bưu điện phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), các địa phương… thực hiện nghiêm túc theo tinh thần ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 171 điểm chi trả với 97 điểm chi trả tại các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã và 74 điểm chi trả tại các hội trường khu phố, phường xã. Thời gian chi trả tập trung từ ngày 5 đến ngày 10 hàng tháng. Tại mỗi điểm chi trả đều niêm yết công khai danh sách tăng giảm lương hưu và trợ cấp BHXH rõ ràng, có mặt thường xuyên 4 nhân viên chi trả để hướng dẫn và thực hiện các quy trình.

Tại Đức Trọng, ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc BHXH huyện cho biết, sau khi thực hiện chủ trương này, BHXH Đức Trọng đã trực tiếp tập huấn, hướng dẫn cho ngành bưu điện địa phương nắm bắt quy trình, thủ tục tiến hành. Đồng thời, cơ quan cũng đã cử các cán bộ, công chức kết hợp với cán bộ, nhân viên bưu điện theo dõi các đợt chi trả trong thời gian đầu để công tác chi trả được liên hoàn, không bị gián đoạn do chuyển giao đơn vị thực hiện. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 23 điểm chi trả trên phạm vi 13 xã, thị trấn cho gần 50 ngàn lượt người với số tiền trên 60 tỷ đồng. Việc chi trả trên tinh thần đúng chế độ, đúng đối tượng, an toàn và thuận tiện.

Thay đổi hình thức chi trả, có thể nói các cơ quan trong cuộc đã có nhiều nỗ lực để thực hiện chế độ chính sách nghiêm túc, hiệu quả đối với người được hưởng chế độ. Nếu như công tác chi trả thời gian đầu còn lúng túng thì nay đã chuyên nghiệp về quy trình nghiệp vụ, giao tiếp, có sự chuẩn bị chu đáo… Tỷ lệ chi trả trong tháng đạt bình quân 98% tại các điểm chi trả. Một số trường hợp không chi trả được do các nguyên nhân như: không ủy quyền cho người lĩnh thay, có nhu cầu nhận theo quý…

Từ góc độ của một đối tượng thụ hưởng, bà Vũ Thị Tâm, cán bộ hưu trí tại khu phố 3, phường 10, Đà Lạt đóng góp thêm ý kiến về quy trình thủ tục: Trong gia đình bà, hai vợ chồng đều nhận lương hưu và chồng bà ủy quyền cho bà nhận lương hàng tháng, giấy ủy quyền được Ủy ban nhân dân phường chứng nhận. Tuy vậy, trong trường hợp bà cũng bị ốm đột xuất thì rất khó nhận lương vì khi ấy bà không thể đủ sức khỏe để đi đến UBND phường làm giấy ủy quyền cho một thành viên khác. Theo bà, vì người già rất hay đau ốm, nên chăng, cơ quan thực hiện cần đơn giản hóa thủ tục về người được ủy quyền, người nhận chỉ cần đem sổ hưu và chứng minh nhân dân đến điểm chi trả để hoàn thành thủ tục. Đây cũng là trăn trở chung của nhiều cụ trong khu phố. Thiết nghĩ,  ý kiến thiết thực này cần được cơ quan chi trả quan tâm nghiên cứu để hoàn thiện hơn nữa quy trình chi trả đối với người thụ hưởng.

Hải Yến