Chợ Đạ R’Sal ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

03:12, 16/12/2012

Nhận được sự phản ánh của nhiều tiểu thương và người dân địa phương, chiều 14/12/2012, chúng tôi có mặt tại chợ Đạ R’Sal. Tuy là vào mùa khô, nhưng mùi hôi thối từ chợ vẫn bốc lên nồng nặc và cảnh quan không đảm bảo do những hàng bán gà, vịt, tươi sống nằm dọc theo đường giao thông nông thôn (GTNT) 135 khá lộn xộn, phía sau là một đống rác to nằm ngay dưới tấm bảng “Nghiêm cấm hành vi xả rác nơi công cộng”.

Nhận được sự phản ánh của nhiều tiểu thương và người dân địa phương, chiều 14/12/2012, chúng tôi có mặt tại chợ Đạ R’Sal. Tuy là vào mùa khô, nhưng mùi hôi thối từ chợ vẫn bốc lên nồng nặc và cảnh quan không đảm bảo do những hàng bán gà, vịt, tươi sống nằm dọc theo đường giao thông nông thôn (GTNT) 135 khá lộn xộn, phía sau là một đống rác to nằm ngay dưới tấm bảng “Nghiêm cấm hành vi xả rác nơi công cộng”.

Chị Trương Thị Tư - một tiểu thương bán hàng ăn gần đống rác cho biết: Trước đây, bãi rác được tập kết sát đường GTNT 135 vào thôn Tân Tiến, nhưng do bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên BQL chợ quyết định dời vào bãi tập kết rác về phía cuối chợ. Tình trạng mất vệ sinh dọc đường GTNT 135 tuy có cải thiện “chút đỉnh”, nhưng lại gây ô nhiễm môi trường đối với các em học sinh. Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: “Do trường chưa xây dựng xong, nên nhà trường phải mượn phòng làm việc của BQLRPH Sê Rê Pốc cũ để làm một số phòng học tạm cho học sinh. Nhưng kể từ khi BQL chợ Đạ R’Sal dời bãi tập kết rác đến ngay cạnh cổng trường học tạm, thầy trò chúng tôi không thể chịu nổi mùi hôi thối xộc thẳng vào các lớp học, với lại ngay cạnh cổng trường luôn có một đống rác to lù lù với đủ các loại rác thải và ruồi muỗi bâu kín thì không còn gì gọi là cảnh quan trường học”.

Không chỉ có người dân mua bán tại chợ và học sinh học trong các phòng học tạm phải chịu ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm, mất vệ sinh nghiêm trọng từ chợ Đạ R’Sal, mà cả người dân sinh sống quanh khu vực chợ cũng phải gánh chịu hậu quả. Một người dân sống ở thôn Tân Tiến, dù đã cách xa chợ trên 50m, nhưng vẫn bức xúc nói: “Trước đây, khi BQL chợ tập kết rác dọc đường GTNT 135, mỗi bận mưa xuống, nước không thoát được, ngập úng đường, rác các loại nổi lềnh bềnh trên mặt nước đen sì vì ô nhiễm, chúng tôi phải lội chân vào đó để ra đường quốc lộ, không tránh khỏi mụn nhọt, lở loét do bị viêm nhiễm. Nay BQL chợ chuyển bãi tập kết về vị trí cao hơn ở phía sau chợ, con đường tuy có sạch hơn, nhưng vẫn bị ô nhiễm, bởi các tiểu thương buôn bán gà vịt, thức ăn tươi sống đổ nước bẩn ra đường, mỗi khi trở trời, mùi hôi thối bốc lên, gặp gió phát tán ra xung quanh, khiến nhiều hộ dân phải đóng cửa nhà suốt ngày đêm”.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Thịnh - Phó BQL chợ Đạ R’Sal cho biết: Chợ Đạ R’Sal được đầu tư trên 5 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam xây dựng đạt tiêu chuẩn chợ nông thôn cấp 3, với tổng diện tích sử dụng 1.300 m2, trong đó trong chợ lồng có 48 quầy sạp và khoảng 20 quầy sạp xung quanh chợ do BQL chợ sắp xếp cho các tiểu thương có nhu cầu buôn bán gà, vịt, thức ăn tươi sống, hoa quả, rau xanh… với phương thức cho thuê mặt bằng 10 năm, trả góp 4 năm và đóng phí chợ hàng năm. Thực tế hiện nay, chợ chưa phát huy hết công suất, nhưng đã xuất hiện nhiều hạn chế, bất cập do quá trình quy hoạch, thi công nhiều điểm không hợp lý. Trước hết, về lĩnh vực cảnh quan, môi trường: Do khi quy hoạch và thi công chợ không tính đến bãi tập kết rác và hệ thống xử lý nước thải không hợp lý, dẫn đến hậu quả hiện nay chợ bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Bình quân mỗi ngày, rác thải tại chợ lên đến 500 - 600 kg, nhưng do không có bãi tập kết rác, nên trước đây BQL chợ gom rác ngay trước cổng chợ, rồi tuần 2 lần thuê xe của Trung tâm Quản lý công trình công cộng (TTQLCTCC) huyện chở về Đam Rông đổ với giá 300.000 đồng/xe. Sau một thời gian, do người dân và khách qua đường phản ứng quá, BQL phải chuyển bãi tập kết rác vào dọc đường GTNT 135 và hiện nay chuyển về phía sau chợ. Việc di chuyển này cũng chỉ là giải pháp tạm bợ, vì vẫn không xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường, nên người dân vẫn cứ phàn nàn và nêu ra trong nhiều cuộc họp của HĐND, UBND các cấp. Mặt khác, hệ thống xử lý nước thải được thi công không hợp lý, dẫn đến toàn bộ mặt bằng chợ hiện đang nằm trên một hồ nước tù đọng lớn, đến mùa mưa, nước không thoát được, trồi lên trên, khiến toàn bộ mặt bằng chợ bị chìm nghỉm trong một bể nước bẩn đen sì, hôi thối không thể nào chịu nổi. Cùng với đó, hệ thống đường điện ngầm chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đều bị bong đứt, hư hỏng nghiêm trọng, BQL chợ phải câu móc đường điện nổi từ đồng hồ tổng vào các quầy sạp, vừa gây mất cảnh quan, vừa có nguy cơ rất dễ bị chập điện cháy nổ.

   Cùng với BQL chợ, trước sự phản ánh, lên tiếng của người dân, UBND xã Đạ R’Sal cũng đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại chợ Đạ R’Sal, nhưng hiện vẫn chưa giải quyết được, bởi theo ông Phùng Văn Thế - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ trước đến nay xã Đạ R’Sal không hề có bãi tập kết rác, nên dẫn đến tình trạng người dân đổ rác thải tùy tiện tại chợ, tại các khu dân cư. Thực tế đó cho thấy, trên lộ trình xây dựng Đạ R’Sal trở thành thị trấn, các cấp, các ngành chức năng của huyện Đam Rông cần hỗ trợ xã Đạ R’Sal quy hoạch, xây dựng bãi tập kết rác tập trung theo đúng tiêu chuẩn đã quy định. Trước mắt, khi chưa xây dựng được bãi tập kết rác tập trung, TTQLCTCC huyện cần tăng cường thu gom rác thải tại khu vực chợ và người dân cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung bằng việc bỏ rác đúng địa điểm quy định.    

Hoàng Vương Mỹ