Định giá đất chưa “sát” ở xã N’Thol Hạ

02:12, 25/12/2012

TAND huyện Đức Trọng vừa lập biên bản định giá đất mặt tiền Quốc lộ 27, cách UBND xã N’Thol Hạ khoảng hơn 500 mét với giá chỉ hơn 86.500 đồng trên mỗi m2. Hội đồng định giá gọi đây là giá thị trường nhưng bộc lộ những cơ sở chưa thuyết phục…

TAND huyện Đức Trọng vừa lập biên bản định giá đất mặt tiền Quốc lộ 27, cách UBND xã N’Thol Hạ khoảng hơn 500 mét với giá chỉ hơn 86.500 đồng trên mỗi m2. Hội đồng định giá gọi đây là giá thị trường nhưng bộc lộ những cơ sở chưa thuyết phục, có dấu hiệu làm lợi bên mua, làm hại bên bán trong vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất” đang chờ phiên xử phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng.

Lô đất 1.040 m2 trên Quốc lộ 27, gần trung tâm xã N’Thol Hạ, Đức Trọng, nhưng chỉ được định giá… 90 triệu đồng(!)
Lô đất 1.040 m2 trên Quốc lộ 27, gần trung tâm xã N’Thol Hạ, Đức Trọng, nhưng chỉ được định giá… 90 triệu đồng(!)


Theo hồ sơ, ngày 21/3/2002, gia đình bà Lê Thanh Mai (Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt) có chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Chính (thôn Đoàn Kết, N’Thol Hạ, Đức Trọng) diện tích 1.040 m2 , trong đó chiều rộng là 8 mét mặt đường Quốc lộ 27; còn lại là chiều dài 130m. Với giá chuyển nhượng giữa hai bên thoả thuận bằng giấy viết tay là 15,5 triệu đồng (khoảng hơn 3 cây vàng lúc đó), và vào ngày 28/5/2002, bà Chính đã thanh toán trước cho bà Mai là 1.210.000 đồng. Đến ngày 17/6/2002, UBND huyện Đức Trọng cấp “sổ đỏ” đứng tên bà Chính thì xảy ra tranh chấp với bà Mai về việc thanh toán số tiền còn lại 14.290.000 đồng.

Nguyên đơn, bà Lê Thanh Mai trình bày: Những lần bà Chính đưa tiền cho gia đình bà (1.210.000 đồng nói trên) đều thể hiện trên chứng từ. Tuy nhiên, đến khi có “sổ đỏ”, bà Chính tự ý đến UBND xã N’Thol Hạ nhận mà không trả đủ khoản tiền chuyển nhượng còn lại cho gia đình bà Mai. Đã vậy, bà Chính đã trực tiếp chuyển nhượng và sang tên sử dụng toàn bộ 1.040 m2 cho một hộ gia đình khác ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. Qua nhiều lần hoà giải ở UBND xã N’Thol Hạ không thành, bà Mai khởi kiện vụ án ra TAND huyện Đức Trọng, yêu cầu bà Chính phải trả cho gia đình bà Mai giá trị lô đất 1.040 m2 theo giá thị trường tại thời điểm tháng 6/2012 là 280 triệu đồng, trừ 1,21 triệu đồng đã nhận trước.

Tại phiên toà dân sự sơ thẩm ngày 15/6/2012 của TAND huyện Đức Trọng, bị đơn Nguyễn Thị Chính nói rằng, bên cạnh số tiền đưa trước 1,21 triệu đồng, bà còn cấn trừ nợ nhiều lần bán hàng tạp hoá cho bà Mai, nhưng thời gian đã quá lâu, không còn sổ nợ cũ để cung cấp cho toà (?!). Đến khi được bà Mai cầm “sổ đỏ” đến giao tại nhà, bà Chính đã thanh toán đủ cho bà Mai số tiền 15,5 triệu đồng tiền chuyển nhượng (?!).

TAND huyện Đức Trọng đã không chấp nhận lời trình bày của bà Chính vì đã không xuất trình được tài liệu chứng cứ. Hơn nữa, vào ngày 17/12/2003, Phòng Nông nghiệp – Địa chính huyện Đức Trọng có báo cáo về việc khiếu nại của ông Đặng Xuân Hoà (chồng bà Lê Thanh Mai) có nêu: Ngoài số tiền 1,21 triệu đồng, bà Chính đã không còn lần nào thanh toán tiền mua đất cho gia đình bà Mai. Bởi vậy, TAND huyện Đức Trọng quyết định buộc bà Nguyễn Thị Chính phải thanh toán cho bà Lê Thanh Mai 258,132 triệu đồng tiền chuyển quyền sử dụng đất trên diện tích 1.040 m2  theo giá thị trường hiện tại (đã trừ 1,21 triệu đồng đã giao nhận từ hơn 10 năm trước).

Trong khi chuẩn bị xét xử cấp phúc thẩm thì bất ngờ vào ngày 30/11/2012, TAND huyện Đức Trọng lại lập biên bản định giá mới lô đất 1.040 m2  ở mặt đường Quốc lộ 27 nói trên với số tiền là… 90 triệu đồng. Biên bản ghi là “giá thị trường” nhưng lại thấp hơn từ 3- 4 lần so với giá mà người dân định cư lâu năm ở quanh vùng cho biết. Một cán bộ uỷ ban và một cán bộ địa chính xã N’Thol Hạ cũng xác định “có nghe” việc mua bán từ 35 - 40 triệu đồng với mỗi mét đất chiều rộng mặt đường Quốc lộ 27 tại đây, nhưng việc định giá đất tranh chấp của bà Mai và bà Chính là dựa vào cơ sở biểu quyết của một “hội đồng nhiều người” (?!).

 Tuy nhiên, theo nhiều luật gia, trong biên bản ghi Hội đồng định giá chỉ có 2 người gồm 1 chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch và 1 chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường của huyện Đức Trọng thì việc biểu quyết giá đất khó có thể sát đúng với thực tế, trong khi giá thị trường là giá xác lập thoả thuận giữa người mua và người bán, hoàn toàn không phải giá do cơ quan nhà nước ấn định. Mà đây là vụ án giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa cá nhân với cá nhân, nên thiết nghĩ, TAND tỉnh Lâm Đồng trước khi ra phán quyết bản án phúc thẩm, thể hiện tính toàn diện và khách quan phải cần căn cứ vào đơn giá đất của một Hội đồng định giá mới gồm nhiều thành viên hơn nữa, trong đó không thể thiếu đơn vị chức năng thẩm định giá và đại diện người dân sử dụng đất quanh vùng…

VŨ VĂN