Có lẽ với Cát Tiên, ở thời điểm này, việc nhắc lại câu chuyện còn chưa “ráo mực” về khai thác tan hoang, trái phép tại bãi vàng, nơi con suối Đạ Quyn (xã Tà Năng, huyện Đức Trọng) là điều thực sự cần thiết.
Có lẽ với Cát Tiên, ở thời điểm này, việc nhắc lại câu chuyện còn chưa “ráo mực” về khai thác tan hoang, trái phép tại bãi vàng, nơi con suối Đạ Quyn (xã Tà Năng, huyện Đức Trọng) là điều thực sự cần thiết.
Trong nhiều năm liền, nạn khai thác vàng công khai ở Đạ Quyn với công suất lớn bằng những phương tiện cơ giới hiện đại đã làm biến dạng địa hình tự nhiên, thu hẹp diện tích đất sử dụng, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và vắt kiệt tài nguyên khoáng sản quốc gia. Không những thế, việc khai thác trái phép rầm rộ ở khu vực này trước đây, còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân, gây mất an ninh trật tự và nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội trong khu vực. Câu chuyện bãi vàng ở Đạ Quyn, một thời từng là điểm “nóng”, không chỉ ở thực địa mà còn làm “đau đầu” các cấp lãnh đạo ở địa phương. Phải mất khá nhiều thời gian, khu vực suối Đạ Quyn mới có được sự “bình yên”, dù hẳn nhiên hình hài, diện mạo của nó đã không còn được nguyên vẹn.
Rồi, trở lại với chuyện bãi vàng ở khu vực hồ Đạ Sỵ (xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên), vào trung tuần tháng 11/2012, một nhóm 6 người do ông Phạm Xuân Tình (trú tại Boolé, huyện Đam Rông), lợi dụng đêm tối vận chuyển máy móc, thiết bị vào Tiểu khu 529 (khu vực nói trên) để ngang nhiên khai thác vàng trái phép. Trước sự phản ứng của người dân, chính quyền xã Tiên Hoàng đã kịp thời báo cáo lên huyện; đồng thời, tổ chức cho lực lượng công an, dân quân xã tiến hành lập biên bản và cưỡng chế ngưng hoạt động. Theo đó, tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã thu giữ 1 máy xúc (hiệu Sumi), 1 máy nổ chạy dầu (D24), 1 hệ thống sàng lọc khoáng sản có vòi phun… Tất cả đều đang hoạt động tại lô 8, khoảnh 2, TK 529 (đã được cấp GCN QSD đất cho ông Trần Văn Hoan để trồng rừng). Diện tích bị tác động là 1.000 m2, với độ sâu 1m.
Khi bị yêu cầu lập biên bản, ông Tình cho biết: Chúng tôi làm thuê cho ông Bùi văn Cung (trú tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà) đến đây để khai thác đá trang trí nội thất. Ông Tình còn hứa là đến ngày 23/11/2012 sẽ mang giấy phép đến xuất trình với địa phương. Ngay sau đó, chính quyền xã cũng yêu cầu ông Tình về làm việc tại UBND xã, nhưng ông đã… “biệt tăm”!
Ở khu vực nói trên có vàng là điều không cần bàn cãi. Bởi theo ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hoàng, cho biết: “Trước đây và hiện tại, khu vực này vẫn có số ít những người dân địa phương và khu vực lân cận đến đào, đãi nhỏ lẻ”. Thêm vào đó, việc một số cá nhân nói trên đã cất công đem phương tiện cơ giới đến khai thác, đã chứng tỏ những “ông trùm” đã… “đánh hơi” có trữ lượng vàng tại đây.
Từ bài học Đạ Quyn, để tránh những “cơn đau đầu” cho giới chức ở địa phương, có lẽ việc quản lý chặt chẽ và đưa khu vực Đạ Sỵ vào tầm kiểm soát gắt gao là điều không thừa. Vì, theo tìm hiểu của PV Báo Lâm Đồng, hiện tại ở khu vực này, đang có mặt một công ty được cấp giấy phép khai thác khoáng sản đá, sỏi!
TUẤN LINH