Trong những ngày chuẩn bị kỳ thi học kỳ I năm học 2012-2013, các văn bản của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và Sở GD-ĐT Lâm Đồng về dạy thêm học thêm được triển khai thực hiện, nhưng có nhiều ý kiến bức xúc của phụ huynh học sinh (PHHS). Chúng tôi tìm hiểu vấn đề này để cùng tháo gỡ.
Trong những ngày chuẩn bị kỳ thi học kỳ I năm học 2012-2013, các văn bản của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và Sở GD-ĐT Lâm Đồng về dạy thêm học thêm được triển khai thực hiện, nhưng có nhiều ý kiến bức xúc của phụ huynh học sinh (PHHS). Chúng tôi tìm hiểu vấn đề này để cùng tháo gỡ.
Trường TH Phan Như Thạch không có một phòng học nào để thực hiện 2 buổi trên ngày |
Dạy - học thêm
Vấn đề này, xã hội và ngành GD-ĐT quan tâm từ lâu, thời gian gần đây nhất càng được tập trung giải quyết như một bài toán khó. Đó là, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD-ĐT; Quyết định 45/2012/QĐ-UBND ngày 5/11/2012 của UBND tỉnh. Sở GD-ĐT Lâm Đồng liên tục có các công văn: số 1502, ngày 15/11/2012, số 1541, ngày 26/11/2012, số 1640 ngày 10/12/2012 và mới nhất là số 67, ngày 17-1. Theo đó, các phòng GD-ĐT phối hợp với các ngành, địa phương triển khai, tuy mức độ đạt hiệu quả khác nhau. Việc triển khai thực hiện quy định dạy - học thêm nói chung vẫn còn những điều cần chia sẻ để tìm tiếng nói đồng thuận cao từ nhiều phía: nhà quản lý, xã hội, chính quyền và PHHS.
Trước hết, bản chất học thêm của HS vốn có ý nghĩa tích cực. Hoạt động này ngày càng trở thành nhu cầu tự thân và tất yếu của vận động lịch sử. Vấn đề mấu chốt là bản chất của hoạt động này diễn ra như thế nào? Trả lời câu hỏi này, phụ thuộc từ nhiều phía: sự quản lý của các ngành và địa phương; lương tâm, năng lực và trách nhiệm của người thầy; nhận thức của PHHS; ý thức của người học… Đặc biệt, khi sự nghiệp GD-ĐT đang chịu tác động mạnh của nhiều yếu tố: chương trình còn những quá tải, bất cập; cơ sở vật chất - trang thiết bị trường học không đáp ứng yêu cầu; “bệnh thành tích” còn tồn tại; cơ chế thị trường tác động theo hướng không lành mạnh; một bộ phận PHHS và HS chưa nhận thức sâu sắc về “lợi ích trăm năm”…
Trông giữ học sinh
Trao đổi xung quanh nội dung trên với Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng - NGƯT Nguyễn Xuân Ngọc, ông cho biết, sau khi ra các văn bản triển khai thực hiện, Sở cũng nhận được nhiều đơn thư kiến nghị góp ý. Để thực hiện hiệu quả hoạt động dạy - học thêm, theo ông Ngọc, sắp tới, đồng thời tăng cường hiệu quả về quản lý, cần phải thực hiện kiên quyết việc phân tuyến để giảm tải sĩ số HS của một số trường. Mặt khác, để áp dụng loại hình học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học, vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp rất cần có sự đồng bộ.
Tại hội nghị trực báo về dạy - học thêm của ngành GD-ĐT ngày 5/12/2012, có ý kiến cho rằng: đối với các trường tiểu học chỉ tổ chức học 1 buổi/ngày nên quan tâm đến nhu cầu gửi con của phụ huynh. Theo đó, cần có văn bản quy định về quản lý vấn đề này để thực hiện.
Trưởng phòng GD-ĐT Đà Lạt Nguyễn Vĩnh Phúc cho biết, trước đó, Phòng đã có các văn bản báo cáo UBND TP. Đà Lạt. Tại báo cáo ngày 9/1, quan điểm của Phòng GD-ĐT Đà Lạt cho rằng: “Việc tổ chức và quản lý các điểm nuôi, giữ trẻ HS tiểu học ngoài giờ chính khoá theo yêu cầu của PHHS, nhất là HS đang học ở các trường chưa có khả năng tổ chức dạy học theo mô hình 2 buổi/ngày trên địa bàn thành phố là nhu cầu và yêu cầu thực tế”. Ông Phúc cho biết thêm, sau khi thực hiện Công văn 1640 của Sở GD-ĐT, Phòng đã nhận được nhiều ý kiến của các trường và nhiều đơn của PHHS đề nghị cho phép PHHS được gửi HS cho GV nuôi giữ ngoài giờ học chính khoá.
Chúng tôi tìm hiểu thêm nhà giáo Trần Thị Công Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Như Thạch, phường 9 Đà Lạt - một trong những trường điển hình về thực tế nói trên, cho biết: Hiện trường có 1.009 HS với 24 lớp, bình quân mỗi lớp 42-43 HS. Quan tâm đến quyền lợi của HS, nhà trường vừa tận dụng nguồn chi khác từ ngân sách, vừa huy động sự đóng góp của PHHS được gần 200 triệu đồng để cải tạo thư viện và nhà để xe làm thành 2 phòng học môn tin học và môn tiếng Anh. Trường chỉ có 12 phòng học, vừa đáp ứng đúng mỗi lớp 1 phòng học 1 buổi. Vì thực tế này, PHHS đã đề nghị nhà trường cho phép GV kèm HS ngoài giờ chính khoá. Khi ngừng mô hình này, đông đảo PHHS đã gõ cửa nhiều nơi đề nghị được duy trì trở lại. Sau cuộc họp Ban chấp hành cha mẹ HS, ngày 6/1, Trưởng ban đại diện cha mẹ HS Nguyễn Ngọc Hùng đã làm văn bản gửi đến nhiều cấp đề nghị “cho PH tiếp tục nhờ GV trong trường trông con em”. Không còn mô hình GV trông giữ ngoài giờ chính khoá, PHHS phải đưa hoặc đón HS học môn tự chọn (tin học, tiếng Anh) vào giờ hành chính (!). Đấy là chưa nói đến hoàn cảnh của nhiều gia đình không có người lớn ở nhà trông coi, lo ăn, ngủ… cho các cháu nhỏ như Giám đốc Công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học Lâm Đồng Nguyễn Văn Tiên chia sẻ.
Được biết, ngày 17/1, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng Đàm Thị Kinh ký Công văn 67/SGDĐT-GDTH gửi UBND tỉnh, UBND TP. Đà Lạt và các Phòng GD-ĐT tháo gỡ trước nhu cầu bức thiết của PHHS tiểu học. Văn bản này ghi rõ: “Phòng GD-ĐT Đà Lạt tham mưu, đề xuất UBND thành phố Đà Lạt có hình thức tổ chức quản lý dịch vụ trông giữ HS trên địa bàn theo hướng cho thành lập một số cơ sở trông giữ HS cấp tiểu học (tuyệt đối không được dạy thêm hoặc có hình thức biến tướng dạy thêm văn hoá cho HS)”. Thiết nghĩ, đây là động thái kịp thời của Sở GD-ĐT, phù hợp với nguyện vọng chung của PHHS. Để đảm bảo tinh thần chỉ đạo của ngành GD-ĐT và UBND tỉnh, cần sớm có văn bản pháp quy chính thức của cấp thẩm quyền là UBND tỉnh Lâm Đồng.
MINH ĐẠO