Một cơ sở sản xuất tại xã Đạ Oai gây ô nhiễm môi trường

03:01, 27/01/2013

Bức xúc, phản ứng là tâm trạng của người dân ở thôn 3 (xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai) khi kể với chúng tôi về hành vi vi phạm, gây ô nhiễm môi trường của Cơ sở chế biến bao bì của ông Nguyễn Văn Thăng.

Bức xúc, phản ứng là tâm trạng của người dân ở thôn 3 (xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai) khi kể với chúng tôi về hành vi vi phạm, gây ô nhiễm môi trường của Cơ sở chế biến bao bì của ông Nguyễn Văn Thăng.

Theo một số bà con thôn 3 (xã Đạ Oai): Hàng ngày, họ phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Vì cơ sở chế biến bao bì của ông Thăng đã thải vào không khí mùi khét do nấu nhựa cả ngày lẫn đêm. Hơn nữa, nguồn nước ở sông Đạ Oai cũng bị ô nhiễm. Bà Trần Thị Thiết (70 tuổi) bức xúc nói: “Trước đây, gia đình tôi vẫn lấy nước sông Đạ Oai về dùng. Nhưng từ ngày cơ sở này hoạt động, chúng tôi không còn dám sử dụng nước sông nữa. Nhiều gia đình phải đóng cửa cả ngày lẫn đêm vì không chịu nổi mùi khói độc!”. Chị Lê Thị Ánh Tuyết (42 tuổi) nói thêm: “Nhiều người ở đây thường bị đau đầu, khó thở và bị ho. Đi khám, bác sĩ bảo, họ mắc phải những bệnh hiểm nghèo. Và, không ít người trong số đó đã qua đời dù tuổi còn rất trẻ (trên dưới 40 tuổi). Nên chúng tôi rất lo lắng!”.

Làm việc với UBND xã Đạ Oai, chúng tôi được ông Đoàn Hồng Thành - Phó Chủ tịch xã, cho biết: “Năm 2010, UBND xã nhận được sự phản ánh của bà con thôn 3 và xã đã có công văn kiến nghị lên cấp trên. Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Khoa học Công nghệ đã cử cán bộ xuống lấy mẫu nước, không khí để phân tích, xét nghiệm. Kết quả, 2 sở trên kết luận, lượng khí thải không vượt quá giới hạn cho phép và lượng nước thải không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà con. Vì vậy, xã đã tạo điều kiện cho sơ sở tiếp tục hoạt động lại. Thế rồi, ngày 15/1/2013 vừa qua, một số bà con thôn 3 lại làm hàng rào, ngăn cản không cho cơ sở hoạt động. Ngày 18/1/2013, UBND xã đã yêu cầu cơ sở chế biến bao bì tạm ngưng hoạt động”.

Ông Phan Thanh Bình - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đạ Huoai, nói rõ thêm: “Cơ sở chế biến bao bì phế thải của ông Nguyễn Văn Thăng bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008. Tháng 10/2010, trong các buổi tiếp xúc cử tri của huyện, xã, chúng tôi đã nghe phản ánh của người dân về vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Tháng 11/2010, UBND huyện Đạ Huoai đã có văn bản tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở và mời Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ về lấy mẫu phân tích. Đến tháng 2/2012, qua phân tích, Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Khoa học Công nghệ kết luận mẫu nước thải, khí thải đều đạt tiêu chuẩn cho phép. Vì vậy, tháng 6/2012, Cơ sở chế biến bao bì được phép hoạt động trở lại và có cả sự chứng kiến của người dân thôn 3. Tuy nhiên, mới đây, ngày 15/1/2013, một số người dân “quá khích” đã dựng hàng rào, ngăn cản không cho cơ sở hoạt động. Trước tình hình trên, huyện đã chỉ đạo UBND xã yêu cầu bà con cần bình tĩnh và yêu cầu Cơ sở tạm ngưng hoạt động”.

Tại biên bản làm việc giữa UBND xã Đạ Oai và ông Nguyễn Văn Thăng - chủ cơ sở, vào ngày 21/1/2013 ghi: Ông Thăng đề nghị cho để số hàng đã mua tại bãi và ông hứa sẽ không nấu nhựa. Chừng nào tìm được địa điểm mới, cơ sở sẽ chuyển số hàng này đi. Về phía UBND xã Đạ Oai, ông Đoàn Hồng Thành đề nghị cơ sở ngưng hoạt động và ngừng vận chuyển hàng hoá về cơ sở. Mặt khác, địa phương sẽ vận động nhân dân tháo dỡ hàng rào để xe của cơ sở vận chuyển hàng hoá ra khỏi cơ sở.

Còn ông Hà Mạnh Hoan - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Đạ Huoai, cho biết: “Ngày 21/1/2013, chúng tôi tiếp tục có công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ địa phương lấy mẫu nước thải, khí thải để kiểm tra, phân tích mức độ ô nhiễm môi trường của cơ sở này. Sau khi có kết quả xét nghiệm, nếu cơ sở chế biến bao bì của ông Nguyễn Văn Thăng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, thì chúng tôi sẽ giải quyết theo đúng qui định của pháp luật”.

Như vậy, có thể khẳng định, vấn đề gây ô nhiễm môi trường ở thôn 3 (xã Đạ Oai) như bà con phản ánh, đã được các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, đúng trình tự, đúng thủ tục của Luật Bảo vệ Tài nguyên Môi trường; không có dấu hiệu bao che, dung túng. Thêm một lần nữa, phải chờ kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường về mức độ gây ô nhiễm môi trường như thế nào để rồi các ngành và chính quyền địa phương giải quyết một cách có tình, có lý. Tuy nhiên, ngày 22/1/2013, ông Đoàn Hồng Thành nói: “Ông Nguyễn Văn Thăng đã đồng ý di dời cơ sở và chấp nhận thiệt hại về kinh tế!”.

TRỊNH CHU